• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

4 nhóm chính sách trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có nhiều tác động tới lao động nữ

Hiện nay, Bộ LĐTB&XH bắt đầu trình lấy ý kiến các bộ ngành, chuyên gia, bên liên quan Dự...

Hiện nay, Bộ LĐTB&XH bắt đầu trình lấy ý kiến các bộ ngành, chuyên gia, bên liên quan Dự thảo Luật việc làm (sửa đổi), thay thế cho Luật Việc làm 2013. Trong đó, 4 nhóm chính sách lớn được sửa đổi, bổ sung sẽ có nhiều tác động tới lao động nữ.

Theo ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, qua quá trình thực hiện Luật Việc làm hiện hành đã bộc lộ những khó khăn, hạn chế. Việc sửa đổi Luật Việc làm lần này sẽ điều chỉnh các chính sách lao động, việc làm đến toàn bộ lực lượng lao động. 

4 nhóm chính sách trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có nhiều tác động tới lao động nữ

Luật cũng là cơ sở quan trọng để xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động, đặc biệt có nhóm lao động yếu thế, lao động nghèo, lao động nông thôn, người thất nghiệp và tăng cường cơ hội việc làm cho lao động khu vực phi chính thức.

Theo Trưởng ngành Lao động, trước sự phát triển nhanh của nền kinh tế số; đồng thời nước ta có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới; tuy vậy, chưa có quy định về chính sách hỗ trợ người lao động chuyển tiếp và tìm kiếm việc làm trong bối cảnh già hóa dân số; các quy định về việc làm với lao động nông thôn, nhất là lao động nữ lớn tuổi; đặc biệt chất lượng việc làm của nhóm lao động yếu thế thấp.

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có 7 chương, tập trung vào 4 nhóm chính sách lớn. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết: Với nhóm chính sách "Quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập", dự thảo Luật hướng tới bổ sung quy định về hệ thống thông tin thị trường lao động, chỉ số phát triển kỹ năng nghề; công bổ tình hình triển vọng việc làm; Về dịch vụ việc làm như hoạt động dịch vụ việc làm trên môi trường mạng…

Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, giải pháp này sẽ tạo cơ hội  cho lao động nữ được tiếp cận thông tin việc làm, nghề nghiệp, từ đó, tìm kiếm việc làm, học nghề phù hợp khả năng, nguyện vọng, tự chủ về tài chính, tự tin hơn  trong cuộc sống.

Về nhóm Chính sách "Hoàn thiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị  trường lao động", sửa đổi bổ sung theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, phát huy đầy đủ các chức năng của BHTN. Theo đó, dự thảo quy định mở rộng đối tượng tham gia BHTN; Phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp; Tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề, khắc phục tình  trạng người lao động chỉ nhận trợ cấp thất nghiệp. Mục tiêu nhằm đến 2030, hoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia  BHTN; 100% người đang tham gia BHTN có nhu cầu được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí. Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, "với việc mở rộng đối tượng tham gia BHTN, sửa đổi, bổ sung các chế độ BHTN giúp lao động nữ có cơ hội tìm việc làm nhiều hơn".

Về nhóm Chính sách "Phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực", nhằm hướng tới mục tiêu tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, phấn đấu đến năm 2030, đạt 35-40%; Thành lập Hội đồng kỹ năng nghề quốc gia, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra nhiều giải pháp, trong đó dự thảo Luật định hướng bổ sung quy định về phát triển kỹ năng nghề, Hội đồng kỹ năng nghề, khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia…

Theo đó, "tăng cơ hội cho  lao động nữ được tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng và tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, từ đó, có cơ hội nâng  cao trình độ, kỹ năng của bản thân để có cơ hội tìm việc tốt hơn" - Bộ LĐ-TB&XH nhận định.

Với nhóm Chính sách "Thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững", dự thảo Luật hướng tới bổ sung các chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm thông qua Ngân hàng Chính sách; Bổ sung chính sách hỗ trợ việc làm cho các nhóm lao động đặc thù như người cao tuổi, người đi làm việc ở nước ngoài; việc làm cho học sinh, sinh viên; chính sách hỗ trợ chuyển đổi, "chính thức hoá việc làm phi chính thức".

Theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, thực tế cho thấy, lao động phi chính thức là nữ giới chiếm số lượng tương đối lớn, thường chịu ảnh hưởng nặng  nề nhất trên 4 khía cạnh: Việc làm, thu nhập, sức khỏe và quan hệ giới trong gia  đình. Do vậy, giải pháp này sẽ góp phần tạo cơ hội, điều kiện cho lao động phi chính thức, nhất là lao động nữ, được tiếp cận với chính sách chính thức hóa việc làm, được thụ hưởng các chế độ hỗ trợ về pháp lý, đào tạo nghề, tham gia BHXH tự nguyện, được cung cấp thông tin thị trường lao động, tư vấn, giới thiệu việc  làm.

PV

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật