Đêm ngày 27/12/1972, phi công Phạm Tuân, Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371 sử dụng máy bay MiG-21 đã bắn rơi một chiếc B-52 trên bầu trời Sơn La. Ông trở thành người đầu tiên bắn hạ được máy bay B-52 của không quân Mỹ từ trên không và trở về an toàn.
Năm 1977, Phạm Tuân là một trong hai phi công Việt Nam được cử đi học bay vũ trụ tại Học viện Không quân Gagarin của Liên Xô cùng với phi công dự phòng Bùi Thanh Liêm – người sẽ thay thế Phạm Tuân trong trường hợp xảy ra sự cố bất ngờ.
Vào ngày 23/7/1980, Phạm Tuân đã được lựa chọn cùng nhà du hành vũ trụ Liên Xô Viktor Vassilyevich Gorbatko thực hiện chuyến bay vào vũ trụ trên tàu Liên hợp 37. Chuyến bay nằm trong chương trình hợp tác vũ trụ quốc tế Intercosmos Liên Xô – Việt Nam.
Hai phi hành gia Gorbatko và Phạm Tuân vào ngày 23/7/1980, tại sân bay vũ trụ Bakonur ở Kazakhstan trước khi bay vào vũ trụ bằng phi thuyền Soyuz 37. Ảnh: Tư liệu. |
Chuyến du hành vũ trụ này còn có ý nghĩa to lớn đối với công cuộc đạt được các thành tựu khoa học vũ trụ thông qua việc quan sát và chụp ảnh trái đất, tiến hành các thí nghiệm trong suốt những ngày làm việc của phi hành gia trên quỹ đạo.
Phạm Tuân là người Việt Nam đầu tiên, cũng là người Châu Á đầu tiên vào vũ trụ. Ông đã đại diện cho thanh niên Việt Nam hoàn thành ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Một số hiện vật được phi công Phạm Tuân mang vào vũ trụ |
Anh hùng phi công, Trung tướng Phạm Tuân cho biết: “Chúng tôi đã lựa chọn những vật phẩm mang vào vũ trụ là: nắm đất ở Ba Đình, lá cờ Tổ quốc, cờ Đảng, ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ảnh đồng chí Lê Duẩn, Tuyên ngôn độc lập, Di chúc của Bác... Nó là thông điệp nói với bạn bè khắp năm châu rằng, ngọn cờ của Việt Nam đã có trong vũ trụ, tên Việt Nam được in vào bản đồ vũ trụ quốc tế. Qua đó chứng minh rằng người Việt Nam không những chiến đấu bảo vệ Tổ quốc mà với sự giúp đỡ của bạn bè Liên Xô, Việt Nam hoàn toàn có khả năng làm tốt trong cả các lĩnh vực khoa học công nghệ".
Chuyến bay lịch sử này là dấu mốc quan trọng trong sự hợp tác về khoa học-công nghệ trong lĩnh vực vũ trụ của các nhà khoa học Việt Nam.
Không chỉ vậy, tình bạn của hai nhà du hành vũ trụ Vichtor Vaxilievich và Phạm Tuân, giữa Việt Nam - Liên Xô và Liên bang Nga ngày nay vẫn luôn sống mãi trong lòng người dân mỗi nước. Chuyến bay đã ghi mốc son mới trong sự nghiệp phát triển tình hữu nghị hữu nghị truyền thống và sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Liên Xô trước đây, cũng như Việt Nam - Liên bang Nga ngày nay. Đồng thời là cơ sở ban đầu cho sự hợp tác về khoa học - công nghệ trong lĩnh vực vũ trụ của các nhà khoa học Việt Nam.
Quân nhân Liên Xô Viktor Gorbatko và Anh hùng phi công Phạm Tuân. Gorbatko có 3 lần bay vào vũ trụ, vào các năm 1969, 1977 và 1980. Ảnh: Wikiwand. |
Dù trải qua hàng nhiều thập kỷ, khó khăn và thử thách, tình hữu nghị này vẫn bền chặt. Nhân dân Việt Nam sẽ không bao giờ quên sự ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày này trong sự nghiệp giải phóng đất nước.
Hiện nay, Việt Nam và Liên bang Nga đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Tình hữu nghị truyền thống Việt-Nga ngày càng được tăng cường, bao gồm cả hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ giữa hai nước.
Tại buổi gặp gỡ nhân kỷ niệm 40 năm chuyến bay vào vũ trụ của Anh hùng phi công Phạm Tuân và nhà du hành vũ trụ Liên Xô Vichtor Vaxilievich Gorbatko mới đây ở Hà Nội, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Nga tại Việt Nam ông V.V.Bublikov khẳng định: “Ngày 23/7 là một ngày lễ thực sự trong quan hệ Nga-Việt. Đây là một sự kiện có quy mô tầm thế giới và là niềm tự hào vô tận của nhân dân hai nước".
Anh hùng phi công Phạm Tuân (người mặc quân phục đứng giữa) cùng các bạn Nga và Việt Nam tại cuộc gặp gỡ nhân kỷ niệm 40 năm chuyến bay vào vũ trụ. |