• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

6 câu hỏi về Hiệp định EVFTA doanh nghiệp không thể bỏ qua

Dưới đây là những câu hỏi doanh nghiệp cần biết về Hiệp định EVFTA để nắm lấy cơ hội...

Bên cạnh Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới quan trọng mà Việt Nam tham gia. Việc kết thúc đàm phán, ký kết và tiến tới phê chuẩn Hiệp định là một chặng đường dài với sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước cũng như sự phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả giữa các cấp, các ngành với mục tiêu nâng mối quan hệ thương mại song phương Việt Nam – Liên minh châu Âu lên một tầm cao mới nói riêng và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói chung, góp phần vào công cuộc đổi mới và hiện đại hóa đất nước.

Đặc biệt, việc Hiệp định được hai bên ký kết và được Nghị viện châu Âu phê chuẩn có vai trò rất lớn của Quốc hội Việt Nam với việc ban hành các văn bản pháp luật cũng như tiến hành các hoạt động ngoại giao cần thiết và kịp thời để xử lý những vấn đề mà EU quan tâm.

Những nét chính về cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu của EU trong Hiệp định EVFTA ? Đánh giá mức độ cam kết của EU so với các nước tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). 

Với Hiệp định EVFTA: Ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với một số ít mặt hàng còn lại (tương đương khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu), EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn (07 năm).

Với Hiệp định CPTPP: Các nước CPTPP cam kết xóa bỏ hoàn toàn từ 97% đến 100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, tùy theo cam kết của từng nước và tùy theo lộ trình, tối đa là 17 năm (với Pê-ru).

So sánh mức độ cam kết của Việt Nam về xóa bỏ thuế quan trong Hiệp định EVFTA và Hiệp định CPTPP.

Với Hiệp định EVFTA: Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng TRQ theo cam kết WTO hoặc không cam kết.

Với Hiệp định CPTPP: Ta cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 66% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và 86,5% số dòng thuế sau 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại có lộ trình giảm thuế chủ yếu từ 5 đến 10 năm. Đối với một số mặt hàng đặc biệt nhạy cảm, ta yêu cầu lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan (TRQ).

Như vậy, có thể thấy đối với cả hai Hiệp định, ta đều có lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu trong khoảng 10 năm với khoảng 99% số dòng thuế của các nước đối tác. Đối với những mặt hàng nhạy cảm, ta đều bảo lưu được một khoảng thời gian (lộ trình xóa bỏ thuế) tương đối dài (hơn 10 năm) hoặc áp dụng TRQ hoặc không cam kết.

Việt Nam có nắm bắt được cơ hội từ hiệp định EVFT để đưa hàng hóa vào thị trường EU?
Việt Nam có nắm bắt được cơ hội từ hiệp định EVFT để đưa hàng hóa vào thị trường EU ?

Một trong những mặt hàng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhiều từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã và đang tham gia là dệt may. Vậy các quy định của Hiệp định EVFTA về quy tắc xuất xứ đối với mặt hàng này như thế nào?

Hiệp định EVFTA yêu cầu quy tắc xuất xứ “2 công đoạn” (từ vải trở đi) đối với hàng dệt may, tức là để được hưởng thuế quan ưu đãi theo EVFTA thì hàng dệt may của Việt Nam phải được làm từ vải có xuất xứ Việt Nam. Ngoài ra, đối với các sản phẩm dệt may thuộc Chương 61 và 62 của biểu thuế, EU cũng cho phép ta được sử dụng vải nhập khẩu từ Hàn Quốc để sản xuất ra sản phẩm cuối cùng xuất khẩu sang EU và vẫn được hưởng thuế suất ưu đãi của EVFTA. 

Trong khi đó, quy định của CPTPP tương đối chặt hơn bởi Hiệp định này yêu cầu hàng dệt may phải có xuất xứ “từ sợi trở đi”, tức là sợi và vải phải được sản xuất và/hoặc nhập khẩu từ các nước CPTPP, thì mới được hưởng thuế suất ưu đãi của Hiệp định khi xuất khẩu sang các nước CPTPP.

Các cam kết về thương mại dịch vụ và đầu tư trong Hiệp định CPTPP và EVFTA có điểm tương đồng và khác biệt lớn nào?

Về hình thức cam kết: Trong Hiệp định EVFTA, hai bên xây dựng biểu cam kết cụ thể theo cách tiếp cận chọn-cho (tức là liệt kê các ngành, phân ngành có cam kết mở cửa thị trường). Biểu cam kết cụ thể Hiệp định EVFTA chỉ phải chịu nguyên tắc giữ nguyên hiện trạng (tức là trong trường hợp chính sách trong nước cho phép mở cửa hơn so với mức độ cam kết thì trong tương lai nếu thay đổi chính sách này sẽ không được kém hơn mức cam kết tại thời điểm Hiệp định có hiệu lực).

Trong khi đó, trong Hiệp định CPTPP, các nước xây dựng biểu cam kết theo cách tiếp cận chọn-bỏ (tức là liệt kê các ngành, phân ngành bị hạn chế về mở cửa thị trường). Ngoài ra, các nước cũng cam kết áp dụng nguyên tắc “chỉ tiến không lùi”, tức là chỉ được  điều chỉnh, thay đổi chính sách theo hướng tốt hơn mức đã áp dụng trước đó. Riêng Việt Nam có thời gian chuyển đổi 3 năm mới phải áp dụng nguyên tắc này.

Về mức độ mở cửa thị trường một số ngành cụ thể: Cả Hiệp định EVFTA và CPTPP có mức độ mở cửa cao hơn trong WTO đối với một số ngành như dịch vụ viễn thông, dịch vụ tài chính, dịch vụ phân phối, dịch vụ vận tải… Trong số các dịch vụ này, giữa hai Hiệp định có mức độ cam kết khác nhau nhất định:

Dịch vụ tài chính: Hiệp định EVFTA có mức cam kết cao hơn khi cam kết sẽ xem xét thuận lợi việc cho phép các tổ chức tín dụng EU nâng mức nắm giữ của phía nước ngoài lên 49% vốn điều lệ trong 02 ngân hàng thương mại cổ phần (ngoại trừ các ngân hàng BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank) của Việt Nam trong vòng 05 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Dịch vụ vận tải: Trong Hiệp định EVFTA, đối với dịch vụ gom hàng và dịch vụ tái phân phối công-ten-nơ rỗng, ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực ta cho phép các nhà cung cấp dịch vụ vận tải biển quốc tế của EU hoặc thành viên EU thực hiện các dịch vụ này trên tuyến Quy Nhơn - Cái Mép, sau 05 năm ta sẽ cho phép thực hiện dịch vụ tái phân phối công-ten-nơ rỗng trên tất cả các tuyến.

Với dịch vụ nạo vét, ta cho phép doanh nghiệp EU lập liên doanh tới 51% để cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Đối với dịch vụ mặt đất ở sân bay, ta cam kết sau 05 năm kể từ khi ta mở cửa cho khu vực tư nhân sẽ cho phép các doanh nghiệp EU lập liên doanh với đối tác Việt Nam, trong đó vốn của phía nước ngoài không quá 49%, để đấu thầu cung cấp dịch vụ này. 03 năm sau đó, hạn chế vốn nước ngoài sẽ là 51%. Đây là những nội dung cam kết cao hơn của Hiệp định EVFTA so với Hiệp định CPTPP.

Dịch vụ phân phối: Cả hai Hiệp định đều có mức cam kết cao hơn so với WTO ở điểm bỏ yêu cầu kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) sau 05 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Tuy nhiên tại cam kết về yêu cầu kiểm tra nhu cầu kinh tế , trong Hiệp định EVFTA, ta bảo lưu quyền áp dụng các biện pháp kế hoạch và quy hoạch không phân biệt đối xử trong khi không bảo lưu tương tự trong Hiệp định CPTPP.

Về diện mặt hàng, trong Hiệp định CPTPP ta đã loại bỏ mặt hàng gạo và đường mía ra khỏi bảo lưu dịch vụ phân phối, trong khi đó vẫn duy trì bảo lưu trong Hiệp định EVFTA. Đối với mặt hàng rượu, trong EVFTA ta có cam kết cụ thể về không phân biệt đối xử trong sản xuất, nhập khẩu và phân phối rượu, cho phép các doanh nghiệp EU được bảo lưu điều kiện hoạt động theo các giấy phép hiện hành và chỉ cần một giấy phép để thực hiện các hoạt động nhập khẩu, phân phối, bán buôn và bán lẻ.

Đối với lĩnh vực mua sắm của chính phủ, Hiệp định EVFTA và CPTPP khác nhau như thế nào?

Trong lĩnh vực mua sắm chính phủ, Hiệp định EVFTA và CPTPP khác nhau chủ yếu về diện cam kết. Trong Hiệp định CPTPP, ta chỉ cam kết mở cửa đối với mua sắm của 21 Bộ, ngành trung ương và không cam kết mở cửa đối với mua sắm của các cơ quan cấp địa phương và các tập đoàn, tổng công ty.

Tuy vậy, trong Hiệp định EVFTA, ta cam kết mở cửa mua sắm đối với cả các cơ quan ở cấp trung ương và địa phương, cụ thể là 21 Bộ, ngành trung ương, một số đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng (ngoại trừ hàng hóa và dịch vụ phục vụ mục tiêu an ninh – quốc phòng), 02 địa phương là thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị Tập đoàn điện lực Việt Nam, Tổng công ty đường sắt Việt Nam, 34 bệnh viện thuộc Bộ Y tế, Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và một số Viện thuộc trung ương.

Mức độ bảo hộ sở hữu trí tuệ trong Hiệp định CPTPP và EVFTA có những điểm giống và khác nhau như thế nào?

Cả hai Hiệp định EVFTA và CPTPP đều có mức bảo hộ cao đối với lĩnh vực sở hữu trí tuệ trên cơ sở Hiệp định TRIPS của WTO. Về mức độ cam kết cụ thể, có một số điểm khác biệt chính như:

Hiệp định EVFTA: Về sáng chế, Hiệp định yêu cầu phải có cơ chế bù đắp thỏa đáng cho trường hợp thời gian khai thác bằng sáng chế đã có hiệu lực bị rút ngắn vì chậm trễ trong khâu xử lý đơn xin cấp phép lưu hành thuốc. Về kiểu dáng công nghiệp, thời hạn bảo hộ ít nhất là 15 năm. Về chỉ dẫn địa lý, chỉ áp dụng đối với các chỉ dẫn địa lý về rượu vang, rượu mạnh, sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm. Việt Nam cam kết công nhận và bảo hộ 169 chỉ dẫn địa lý của EU (chủ yếu là chỉ dẫn địa lý dùng cho rượu và thực phẩm), và EU công nhận và bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam.

Hiệp định CPTPP: Về sáng chế, cam kết về đền bù thời gian khai thác bằng sáng chế do chậm trễ trong khâu xử lý đơn xin cấp phép lưu hành thuốc đã được tạm hoãn. Về kiểu dáng công nghiệp, thời hạn bảo hộ là 10 năm. Về chỉ dẫn địa lý, Hiệp định CPTPP không yêu cầu các bên phải bảo hộ một danh sách các chỉ dẫn địa lý nhất định như Hiệp định EVFTA. Thay vào đó, các bên có thể bảo hộ chỉ dẫn địa lý qua hệ thống nhãn hiệu hoặc một hệ thống riêng. Về biện pháp thực thi, Hiệp định CPTPP có yêu cầu xử lý hình sự đối với một số hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong khi Hiệp định EVFTA không yêu cầu chế tài hình sự.

Vấn đề lao động trong cả hai Hiệp định CPTPP và EVFTA có điểm giống và khác nhau như thế nào?

Cả hai Hiệp định đều không tạo ra nghĩa vụ mới, chỉ nhắc lại các tiêu chuẩn về lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Tuy vậy, khác với Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA không có cơ chế giải quyết tranh chấp hay trừng phạt thương mại trong trường hợp các bên vi phạm các cam kết về lao động.

Theo cam kết trong Hiệp định EVFTA, Việt Nam phải gia nhập Hiệp định UNECE 1958 khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Vậy Hiệp định UNECE 1958 bao gồm nội dung gì? Trong trường hợp Việt Nam gia nhập Hiệp định UNECE 1958, cơ quan nào có thẩm quyền phê chuẩn Hiệp định này?

Ủy ban Kinh tế Liên Hiệp Quốc về Châu Âu (UNECE) là 1 trong 5 ủy ban khu vực thuộc thẩm quyền của Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC). Mục tiêu chính của UNECE là thúc đẩy hội nhập kinh tế châu Âu. UNECE bao gồm 56 quốc gia thành viên ở châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á. Tuy nhiên, tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc quan tâm có thể tham gia vào hoạt động của UNECE. Hơn 70 tổ chức chuyên nghiệp quốc tế và các tổ chức phi chính phủ khác đã tham gia các hoạt động của UNECE.

Hiệp định UNECE 1958 là Hiệp định về việc chấp thuận các quy định kỹ thuật thống nhất đối với xe cơ giới và các thiết bị, phụ tùng có thể được lắp và/hoặc sử dụng trên xe cơ giới và các điều kiện để công nhận lẫn nhau về phê duyệt,chứng nhận được cấp trên cơ sở các quy định của Liên hợp quốc (UN).

Quy định của Liên hợp quốc bao gồm những nội dung chính như sau: Xe cơ giới, thiết bị hoặc bộ phận liên quan; các yêu cầu kỹ thuật; các phương pháp thử nghiệm; các điều kiện để phê duyệt chủng loại; ngày hiệu lực của các Quy định của Liên hợp quốc; tài liệu thông tin được cung cấp bởi nhà sản xuất.

Trong 5 năm gần đây, Bộ Giao thông vận tải đã tham gia các phiên họp của Diễn đàn thế giới về hài hòa các quy định xe cơ giới (WP29), đây là tổ chức bảo trợ cho Hiệp định UNECE 1958 với vai trò quan sát viên. Dự kiến trong năm 2020, Bộ Giao thông vận tải sẽ trình Thủ tướng Chính phủ về việc gia nhập Hiệp định và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Ngoại giao thay mặt để ký đơn xin gia nhập Hiệp định UNECE.

VIÊN VIÊN

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật