63 năm trước có con đường đánh dấu mốc quan trọng vào lịch sử của dân tộc mang tên: Đường mòn Hồ Chí Minh. Đây là cầu nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, chi viện sức người và của cho tiền tuyến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lại là mắt xích lớn nối các chiến trường ba nước Đông Dương.
Nơi tuyến lửa đó, hàng vạn cán bộ, chiến sỹ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã làm nên những chiến công vang dội.
Ngày nay, con đường huyền thoại ấy lại mang một sứ mệnh mới: Đường Hồ Chí Minh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; có tầm quan trọng đặc biệt trong tạo đà phát triển cho khu vực phía Tây đất nước.
Nhờ tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, quân đội ta đã thực hiện được những cuộc hành quân lớn, cùng xe tăng, tên lửa, pháo hạng nặng và nhiều khí tài quân sự để chi viện cho tiền tuyến đánh giặc. (Ảnh: Vũ Tạo/TTXVN) |
Nơi dệt nên huyền thoại
Sau Hiệp định Geneva 1954, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Bước sang năm 1959, cách mạng miền Nam đứng trước một bước ngoặt, đòi hỏi Đảng ta phải có quyết sách kịp thời.
Tháng 1/1959, Hội nghị Trung ương lần thứ 15 đã đề ra nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới. Hội nghị khẳng định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là: "Giải phóng miền Nam… trước mắt là đánh đổ tập đoàn thống trị Ngô Đình Diệm tay sai của đế quốc Mỹ, thiết lập chính quyền cách mạng."
Sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, ngày 19/5/1959, Thường trực Tổng Quân ủy chính thức giao nhiệm vụ cho "Đoàn công tác quân sự đặc biệt" làm nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng quân sự vào miền Nam, tổ chức đưa đón bộ đội, chuyển công văn, tài liệu từ miền Bắc vào miền Nam và ngược lại. Cũng chính từ đây, đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại được hình thành.
Những chiếc cầu bằng cây ghép vượt qua những mỏm đá tai mèo do những chiến sỹ công binh Quân khu 4 ngày đêm xây dựng làm đường hành quân. Bất chấp sự hủy diệt của kẻ thù và những khó khăn, trở ngại của thời tiết, địa hình, đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh huyền thoại như một trận đồ bát quái vươn ra các chiến trường bằng mọi ngả. (Ảnh: TTXVN) |
Trải qua 16 năm (từ 1959 đến 1975), từ những con đường mòn men theo dải Trường Sơn hùng vỹ, tuyến đường không ngừng được mở rộng, vươn xa với 5 trục dọc, 21 trục ngang như một trận đồ phủ kín dãy Trường Sơn, cả sườn Đông lẫn sườn Tây. Tổng chiều dài toàn tuyến lên tới 20.000km, xuyên Bắc-Nam và ba nước Đông Dương, vươn tới tất cả các chiến trường.
Đường Trường Sơn không chỉ là cầu nối hậu phương lớn miền Bắc với chiến trường miền Nam mà còn trở thành biểu tượng của tình đoàn kết chiến đấu của 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia.
Trên tuyến chi viện chiến lược này, hàng triệu tấn hàng hóa, lương thực, vũ khí, hàng vạn cán bộ, bộ đội từ hậu phương lớn miền Bắc đã đến với các chiến trường tiền tuyến lớn miền Nam, đến với các nước bạn Lào, Campuchia, bổ sung kịp thời lực lượng và vật chất để đánh bại các bước leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ.
Sự ra đời và phát triển của tuyến vận tải chiến lược này, theo văn bản lịch sử chính thức của cơ quan An ninh quốc gia Hoa Kỳ ghi lại, được quân đội Mỹ coi là "một trong những thành tựu vĩ đại của nền kỹ thuật quân sự ở thế kỷ XX."
Do vị trí chiến lược hết sức quan trọng của đường Trường Sơn, đế quốc Mỹ đã dùng mọi thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt với đủ loại hình thái chiến tranh cùng các loại vũ khí, thiết bị tối tân hiện đại nhất của nền khoa học, công nghệ quân sự Mỹ nhằm đánh phá, ngăn chặn, cắt đứt tuyến đường Trường Sơn.
Từ thiết lập hàng rào điện tử, đến trút xuống tuyến đường hàng triệu tấn bom mìn, thậm chí, chúng còn rải thảm cả chất độc hóa học dioxin nhằm hủy diệt màu xanh và sự sống của con người trên tuyến đường huyền thoại này.
Thế nhưng, đường Trường Sơn, mặt trận Trường Sơn lại trở thành nơi thử thách, tôi luyện ý chí, quyết tâm, lòng dũng cảm, trí thông minh, sức sáng tạo và khả năng chịu đựng bền bỉ, dẻo dai của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Họ đã làm nên những chiến công vang dội "đánh địch mà đi, mở đường mà tiến."
Những ngày đầu tiên khai phá đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh, bộ đội ta đã bí mật vạch tuyến đi qua những vùng núi hiểm trở, cheo leo với khẩu hiệu 'Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng'. (Ảnh: Trần Phác/TTXVN) |
Trường Sơn đã hóa thành mảnh đất thiêng rực lửa chiến công, niềm kiêu hãnh, tự hào của dân tộc Việt Nam và nơi đây cũng là nỗi ám ảnh và khiếp sợ của kẻ thù với những địa danh đã trở thành huyền thoại như Ngã ba Đồng Lộc, Hang Tám Cô, Đường 9-Khe Sanh, Đường 9-Nam Lào…
Mùa Xuân năm 1975, cũng từ tuyến đường Trường Sơn-Hồ Chí Minh, quân đội ta đã thực hiện những cuộc hành quân lớn, bất ngờ tiến công, lần lượt đập tan các quân khu, quân đoàn Ngụy, với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã chấm dứt 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, giang sơn thu về một mối.
Sứ mệnh lịch sử mới
Sau ngày đất nước thống nhất, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh mang sứ mệnh lịch sử mới, đó là con đường tương lai giàu có của Tổ quốc ta. Ðó cũng là con đường đoàn kết của các dân tộc, của ba nước Ðông Dương.
Xác định tầm quan trọng đặc biệt như vậy, Đảng, Chính phủ đã quyết tâm đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh để "huyền thoại năm xưa" tiếp tục viết lên những thành tựu mới trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước.
Ngày 5/4/2000, Dự án đường Hồ Chí Minh được chính thức phát lệnh khởi công tại cầu Xuân Sơn (Quảng Bình). Công trình trọng điểm quốc gia mang ý nghĩa đặc biệt từ lịch sử đến kinh tế của Việt Nam, có tổng chiều dài hơn 3.000km đi qua 30 tỉnh thành, bắt đầu từ Cao Bằng đi qua các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và kết thúc ở Cà Mau. Đến nay, dự án đã hoàn thành hơn 2.300km cùng hàng trăm km tuyến nhánh…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải mới đây đã khẳng định việc hoàn thành dự án sẽ góp phần đẩy mạnh kết nối giao thông, liên kết vùng, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trước đây, tạo điều kiện cho các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa phát triển, rút ngắn khoảng cách miền núi với đồng bằng, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Thực tế cho thấy Đường Hồ Chí Minh đi đến đâu, cuộc sống của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trước đây, đổi thay đến đó. Trên tuyến đường này, đường dây 500 KV Bắc-Nam lượn qua núi, vượt trùng mây đã giải quyết căn bản tình trạng thiếu điện của miền Nam và miền Trung.
Dọc qua dãy Trường Sơn, những nhà máy thủy điện được hình thành và đang hòa vào mạng lưới điện quốc gia, góp phần công nghiệp hóa đất nước.
Đường Hồ Chí Minh đang mở ra một giai đoạn phát triển, một kỳ tích mới của tuyến đường huyền thoại năm xưa nói riêng và của cả đất nước nói chung. Không chỉ là một tuyến đường xuyên Việt thứ 2 có ý nghĩa quan trọng về mặt giao thông khi phá vỡ thế độc đạo của Quốc lộ 1, Đường Hồ Chí Minh đã tạo thành hệ thống trục ngang nối hai miền Đông, Tây của đất nước, góp phần tích cực vào công cuộc hiện đại hóa đất nước.
Đường Hồ Chí Minh còn đi qua nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng như Vườn Quốc gia Cúc Phương, di tích Lam Kinh, Bến En, khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông, Di sản Thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, Vườn Quốc gia Bạch Mã, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, Km số 0 Tân Kỳ, Khu Di tích Kim Liên-Nam Đàn quê Bác, Ngã ba Đồng Lộc, Khe Giao, Long Đại, Xuân Sơn, Hang Tám Cô, Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn, Ngục Đăk Lây, Ngục Kon Tum..., đang góp phần tạo sự khởi sắc, thu hút du khách trong nước và quốc tế tới tham quan, nghiên cứu, học tập, nhất là giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc./.