Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố sáng nay, 28/4, nhận định tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 sẽ phục hồi ở mức 6,7% bất chấp đại dịch COVID-19. Tăng trưởng của Việt Nam đạt được nhờ thành công trong kiểm soát sự lay lan dịch COVID-19, và đà tăng trưởng đang tiếp tục mạnh trong năm 2022. Theo ADB, mức tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 khoảng 7%.
Vào đầu năm, ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2021 ở mức khoảng 6,3%.
Ông Andrew Jeffries - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, động lực tăng trưởng sẽ là công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến - chế tạo định hướng xuất khẩu cùng thương mại và đầu tư.
Theo đó, công nghiệp dự báo sẽ tăng 9,5% trong năm 2021, đóng góp 3,5 điểm % vào tăng trưởng GDP.
Chuyên gia ADB cho rằng thương mại Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mạnh mẽ trong năm 2021, được hỗ trợ bởi sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ ở Trung Quốc và Mỹ, là hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Ngoài ra, thương mại tăng trưởng mạnh mẽ còn nhờ Việt Nam tham gia vào 15 hiệp định thương mại tự do lớn với hầu hết các nền kinh tế phát triển trên thế giới.
Trong quý 1/2021, Việt Nam đạt mức xuất siêu hàng hoá 2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 34,35% và sang Mỹ tăng 32,8%. Chuyên gia ADB nhận định xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sẽ tăng 8% trong năm nay và năm sau.
Khu vực dịch vụ cũng được dự báo sẽ phục hồi tăng trưởng ở mức 6,0% trong năm 2021, đóng góp 2,3 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP.
Khu vực nông nghiệp cũng sẽ hoạt động mạnh hơn trong năm 2021, nhờ cải thiện tiếp cận thị trường đối với hàng nông sản xuất khẩu theo các hiệp định thương mại tự do khu vực, giá lương thực toàn cầu cao hơn do nhu cầu tăng…
Tăng trưởng tín dụng sẽ cải thiện trong năm 2021, nhờ hỗ trợ bởi các đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2020 và nhu cầu của doanh nghiệp phục hồi.
Báo cáo cũng nhận định lạm phát của Việt Nam sẽ tăng lên 3,8% trong năm nay, và 4% trong năm 2022.
ADB nhận định việc tiêm chủng vaccine COVID-19 sẽ tạo thuận lợi cho việc đi lại trong nước, cho nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam, làm tăng nhu cầu sản xuất hàng xuất khẩu.
Tuy nhiên, chuyên gia ADB cũng cảnh báo rủi ro chính trong năm 2021 là đại dịch bùng phát trở lại khó lường, cũng như chậm trễ trong triển khai chương trình vaccine. Các ca nhiễm Covid-19 mới cho thấy còn rất nhiều thời gian để khắc phục dịch bệnh và kế hoạch tiêm vaccine mới ở giai đoạn đầu.
Cùng với đó, sự phục hồi nhanh chóng của đầu tư tư nhân trong nước cũng có thể làm gia tăng rủi ro bong bóng tài sản, nếu như nguồn vốn không được dẫn hướng vào các lĩnh vực sản xuất
“Nếu Việt Nam chậm trễ trong triển khai vaccine COVID-19 sẽ có thể tác động ngay đến khả năng quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ như trước khi có dịch, khi nền kinh tế phụ thuộc vào nhu cầu bên ngoài”, ông Andrew Jeffries nhấn mạnh.
Ngoài ra, tác động của COVID-19 cũng sẽ tác động đến thu nhập của người dân, nhất là người nghèo. Tình hình bệnh dịch kéo dài có thể chuyển những tác động kinh tế ngắn hạn thành những vấn đề mang tính hệ thống trong trung và dài hạn.