Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo quyết định của Thủ tướng quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để sửa đổi quyết định 28/2014. Trong đó có phương án rút ngắn biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt từ 6 bậc còn 5 bậc, áp dụng song song biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt 5 bậc (giảm so với 6 bậc hiện nay), giá bán lẻ điện một giá cho khách hàng được quyền lựa chọn tùy theo mong muốn
Giá bán lẻ điện sinh hoạt dành cho khách hàng lựa chọn một giá là từ 2.700 đồng/kWh đến hơn 2.900 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT).
Phương án Bộ Công Thương đang nghiên cứu này xét cho cùng “phù hợp với thực tế”, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng điện ở Việt Nam. Tuy nhiên mức giá bán lẻ điện sinh hoạt dành cho khách hàng lựa chọn một giá là từ 2.700 đồng/kWh đến hơn 2.900 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT) cũng khiến nhiều người cảm thấy khá cao. Theo đó, những khách hàng dùng 701 số trở lên mới nên chọn sử dụng phương án này bởi số tiền điện phải trả sẽ thấp hơn đáng kể so với việc dùng giá điện bậc thang. Khách hàng có mức tiêu thụ điện 700 số trở xuống nên dùng giá điện bậc thang.
Trong khi đó, khách hàng dùng lượng điện từ 300 số trở xuống là hơn 22 triệu người, chiếm khoảng 72,6% lượng khách hàng với 60% sản lượng điện. Nếu áp dụng phương án trên thì đại đa số khách hàng vẫn nên dùng giá điện bậc thang.
Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh nhận định: “Cái tôi kỳ vọng không phải là điện một giá. Điều tôi kỳ vọng là ban hành một cơ chế song song giữa điện bậc thang và việc lắp đặt công tơ 3 giá tính tiền điện sinh hoạt theo 3 khoảng thời gian trong ngày tương ứng với các giờ cao điểm, giờ thấp điểm và giờ bình thường. Điều đó sẽ hiệu quả hơn nhiều trong việc quản lý phụ tải trong giờ cao điểm. Dù đã có định hướng, chỉ đạo về lắp công tơ 3 giá cho các hộ gia đình nhưng vì nhiều lý do vẫn chưa triển khai được. Hy vọng chúng ta sẽ sớm nhìn thấy ban hành giá điện bậc thang và công tơ 3 giá. Như vậy sẽ hiệu quả hơn".
Ông Sơn cho rằng, dù phương án biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới này được ban hành vẫn sẽ có ý kiến trái chiều. Tuy nhiên người dân vẫn có các phương án để lựa chọn, tự tính toán và kiểm soát nhu cầu tiêu thụ điện của mình.
Ngoài ra EVN còn độc quyền cả khâu phân phối, việc đẩy nhanh thị trường bán lẻ điện cạnh tranh là cần thiết.
Theo quyết định số 63/2013/QĐ-TTg ngày ngày 9/11/2013 của Thủ tướng, năm 2021 sẽ thí điểm thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, năm 2023 sẽ chính thức vận hành thị trường này. Hiện, EVN chỉ còn độc quyền 2 khâu truyền tải và phân phối. Về lâu dài, khâu truyền tải vẫn độc quyền nhà nước nhưng khâu phân phối đang được đẩy mạnh thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Việc này có thể ảnh hưởng không nhỏ đến việc vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Cách làm vận hành thị trường bán lẻ cạnh tranh tương tự Singapore. Tuy nhiên hiện thị trường bán lẻ Singapore có hàng chục đơn vị bán lẻ điện được cấp phép để cung cấp điện cho khách hàng. Để có được thị trường bán lẻ này, Singapore mất hơn 20 năm.