Rạng sáng 19/7, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết vùng áp thấp trên khu vực bắc Biển Đông đã mạnh thành áp thấp nhiệt đới. Lúc 1h, tâm áp thấp nhiệt đới cách Hong Kong 170 km về phía nam tây nam. Áp thấp nhiệt đới di chuyển rất chậm theo hướng tây bắc với vận tốc 5 km/h và khả năng mạnh thêm.
Sáng 20/7, tâm áp thấp nhiệt đới cách Hong Kong 210 km về phía tây nam. Sức gió mạnh lên cấp 6-7, giật cấp 9. Rạng sáng 21/7, tâm áp thấp nhiệt đới cách Hong Kong khoảng 220 km về phía tây tây nam, sức gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Ngày 21/7, áp thấp nhiệt đới hầu như ít di chuyển.
Dự báo đường đi của áp thấp nhiệt đới trên khu vực bắc Biển Đông. Ảnh: VNDMS. |
Gió Tây Nam mạnh cấp 5-6, giật cấp 8 trên khu vực Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) và vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau. Riêng vùng biển phía bắc khu vực bắc Biển Đông, gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Sóng biển cao 2-4 m, biển động mạnh.
Do áp thấp kết hợp hội tụ gió, mưa lớn đã xảy ra tại các tỉnh Tây Bắc. Từ 19h ngày 18/7 đến 1h ngày 19/7, lượng mưa nhiều nơi ghi nhận được trên 50 mm, tập trung ở các huyện miền núi thuộc Sơn La, Lai Châu. Đợt mưa này kéo dài đến hết ngày 20/7 với lượng phổ biến 80-150 mm/đợt, có nơi trên 200 mm.
Tại Hà Nội, mưa dông tiếp diễn ngày 19-20/7, nhiệt độ cao nhất 30-31 độ C, thấp nhất 26 độ C. Đến ngày 22/7, khu vực bước vào đợt mưa diện rộng mới.
Ngoài ra, ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam nên ngày 19-23/7, mưa dông xuất hiện ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Lượng mưa phổ biến 20-40 mm, có nơi trên 60 mm với thời gian mưa tập trung vào chiều và tối.
Khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên vẫn có nắng nóng với nhiệt độ cao phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ. Trạng thái này khả năng duy trì ở Trung Bộ đến ngày 23/7. Sau đó, nắng nóng thu hẹp và dịu dần.