Hội nghị năm nay là sáng kiến của Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVNet), bao gồm 17 tổ chức xã hội Việt Nam, nhằm xác định những khoảng trống trong thông tin về thực trạng bạo lực tình dục, trong pháp luật, thực thi pháp luật và dịch vụ phòng chống bạo lực tình dục.
Hội nghị cũng là hoạt động thiết thực hưởng ứng Tháng Hành động Vì Bình đẳng Giới và Phòng, Chống Bạo lực trên Cơ sở Giới. Hội nghị đã nhận được sự tài trợ của Cơ quan Liên hiệp Quốc về Bình đẳng Giới và Trao quyển cho Phụ nữ, Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc, Công ty Facebook và nhiều nhà tài trợ khác.
Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Khuất Thu Hồng, Trưởng GBVNet, đã nhấn mạnh: “Chúng ta đã cố gắng nhưng chưa đủ để chấm dứt nạn bạo hành tình dục, chưa đủ để xoá bỏ tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em, chưa đủ để không còn cháu gái hay người phụ nữ nào phải sống trong sợ hãi, tủi nhục, thậm chí phải tìm đến cái chết vì hình ảnh nhạy cảm của họ bị phát tán… Tôi tin rằng chính nỗi đau, sự bức xúc, cảm giác có lỗi... đã đưa chúng ta đến đây cùng nhau hôm nay... Hội nghị này sẽ là diễn đàn để chúng ta chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, và cả những trải nghiệm về bạo lực tình dục để chúng ta hiểu rõ hơn chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức nào và đã sẵn sàng đến đâu để vượt qua chúng. Đây cũng là cơ hội để chúng ta kết nối với nhau nêu lên các sáng kiến và xây dựng kế hoạch hợp tác nhằm chấm dứt những nỗi đau và mang lại bình yên cho tất cả phụ nữ và trẻ em trên đất nước này.”
Trong hội nghị năm nay một nội dung được quan tâm rất lớn là xâm hại và bạo lực tình dục trong không gian ảo. Loại xâm hại và bạo lực này có thể len lỏi vào bất kỳ đâu, không có giới hạn, thường gây ám ảnh nặng nề về cảm xúc, tâm lý, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sức khoẻ thể chất, tinh thần cho nạn nhân.
Vấn đề này được thảo luận ở nhiều góc độ khác nhau, trong đó bao gồm cả quản lý nhà nước cũng như đạo đức truyền thông trong phòng, chống bạo lực tình dục trên mạng xã hội và trên các phương tiện báo chí truyền thông. Liên quan đến chủ đề này, Bà Amber Hawkes, Giám đốc Chính sách về An toàn Khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Công ty Facebook trong bài phát biểu của mình đã chia sẻ các chính sách an toàn của Facebook, các công cụ và các gợi ý mà người sử dụng có thể bảo vệ sự riêng tư của mình cũng như các sáng kiến mà Facebook hỗ trợ cho một số quốc gia về những giải pháp để đối phó với vấn đề phát tán hình ảnh nhạy cảm.
Hội nghị bế mạc vào chiều ngày 5 tháng 12.
• Từ năm 2014-2017, trung bình mỗi năm Tòa án Nhân dân Tối cao thụ lý 1,638 vụ xâm hại tình dục; Trung bình hai ngày phát hiện ít nhất 9 cháu bé bị xâm hại tình dục (Tòa án Nhân dân Tối cao 2019)
• Từ 2014 đến 2017, hơn 7,500 người đã được phát hiện và giải cứu khỏi các đường dây mua bán người, 90% trong số đó là phụ nữ và hơn 80% bị cưỡng ép kết hôn, bán dâm và làm nô lệ tình dục.
• 17% ứng viên nhân sự cấp trung được phỏng vấn cho biết đã từng “nhận được những đề nghị liên quan đến tình dục từ cấp trên để đổi lấy các lợi ích tại nơi làm việc.
Một nghiên cứu ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội năm 2014 cho thấy trong số những người bị bạo lực tình dục được phỏng vấn, chỉ có 1,9% nói rằng họ đã tìm kiếm hỗ trợ từ cơ quan chức năng, còn trong số những người đã chứng kiến phụ nữ bị quấy rối ở khu vực công cộng, 65% chia sẻ đã không thực hiện bất kỳ hành động hỗ trợ nào giúp nạn nhân.