Tháng 2/2020, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung Ương đã thực hiện thành công hai ca ghép gan ho hai bệnh nhi mắc bệnh gan giai đoạn cuối. Trước đó do biến chứng của bệnh teo đường mật bẩm sinh nên hai bệnh nhân này đều có bệnh gan ở giai đoạn cuối.
Bệnh nhân đầu tiên là bé T.H.A 20 tháng tuổi, ở Phú Thọ được ghép gan vào ngày 24/2/2020. Bệnh nhân thứ hai là bé T.G.B 9 tháng, ở Quảng Ngãi được ghép gan vào 26/02/2020.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương vừa thực hiện thành công hai ca ghép gan cho hai bệnh nhi nhỏ tuổi. |
Bện teo đường mật bẩm sinh là dị tật nặng của hệ thống đường mật, gây tổn thương đường mật trong và ngoài gan, khiến sự dẫn mật bị ứ trệ và gây hậu quả xơ gan mật và các biến chứng nặng nề, bệnh nhi có thể tử vong do xuất huyết tiêu hóa nặng hoặc hôn mê gan.
Theo Trưởng khoa Gan Mật, TS.BS Nguyễn Phạm Anh Hoa, cả hai bệnh nhân đều trong tình trạng xơ gan nặng, có nhiều biến chứng, tỷ lệ tử vong cao.
Sau một thời gian hội chẩn, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã quyết định ghép gan, đây là biện pháp duy nhất để cứu sống bệnh nhân. Tuy nhiên vì bệnh nhân đang trong tình trạng nặng đặc biệt bé T.G.B mới chỉ 9 tháng tuổi cho nên đây là một việc khó khăn.
GS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Ghép gan là phẫu thuật khó, ghép gan cho trẻ em là phẫu thuật đặc biệt khó khăn do cấu trúc giải phẫu phức tạp, tình trạng bệnh nền nặng, yêu cầu trình độ cao về phẫu thuật, gây mê hồi sức và chăm sóc trước trong và sau mổ. Hiện cả nước chỉ có 3 bệnh viện thực hiện thành công những ca ghép gan trên trẻ em, đặc biệt là các ca ghép khó như ghép gan ở trẻ em nhỏ, trẻ có cân nặng thấp, ghép gan từ người cho không phù hợp nhóm máu….”.
Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, TS.BS Phạm Duy Hiền nhấn mạnh khó khăn đối với trường hợp bé T.H.A (20 tháng tuổi) nằm ở bất thường giải phẫu gan của người mẹ cần kỹ thuật tạo hình mạch máu. Còn đối với ca bệnh T.G.B (9 tháng tuổi) có khó khăn hơn do mức độ xơ gan nặng.
Các bác sĩ đã phải thực hiện rất nhiều thủ thuật tăng cường máu cho tĩnh mạch, chưa kể là những bất thường hệ thống động mạch cung cấp cho mảnh gan ghép của người cho. Các bác sĩ phải rất thận trọng để lấy mảnh gan ghép ra nhưng đảm bảo không làm tổn thương đến phần gan còn lại. “Ở trẻ nhỏ, các bác sĩ phải sử dụng kính hiển vi phẫu thuật để nối hai đầu động mạch”- TS Phạm Duy Hiền thông tin.
Hai ca mổ diễn ra 9 – 10 tiếng đồng hồ, tình trạng 2 bệnh nhi sau ca mổ đã ổn định và được chăm sóc tích cực.
Từ ca ghép đầu tiên năm 2005, Bệnh viện Nhi Trung ương đã ghép gan thành công cho 18 trường hợp, đa số là các trẻ nhỏ dưới 10kg. Bệnh viện là một trong những cơ sở y tế thực hiện những ca ghép gan đầu tiên của Việt Nam đặc biệt trong lĩnh vực Ngoại Nhi.