Ngày 3/12, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng đã tiếp xúc cử tri để “báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV”. Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri đã bày tỏ bức xúc trước tình trạng các vụ án tham nhũng liên quan đến cán bộ cấp cao chậm đưa ra xét xử, công tác cán bộ tại nhiều địa phương có tiêu cực, trách nhiệm người đứng đầu chưa được xử lý…
Về các sai phạm đất đai xảy ra tại Đà Nẵng có liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”), ông Trương Quang Nghĩa – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng (Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng) cho biết, cơ quan công an đã tống đạt các quyết định sang VKS cùng cấp để xem xét, xác định rõ các tội danh và chờ ngày mở phiên tòa xét xử. Ông Nghĩa cho rằng, đây là bài học xương máu và thành phố đang phải khắc phục, sửa chữa các sai lầm này.
Bí thư Trương Quang Nghĩa nói về quy hoạch đô thị để tránh lợi ích nhóm. |
“Việc khắc phục các sai phạm là rất khó khăn và vướng đủ điều nhưng chúng ta vẫn phải làm. Hiện Đà Nẵng tập trung vào quy hoạch chung theo Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về phát triển Đà Nẵng. Quan điểm của thành phố là chúng ta phải thiết kế đô thị xong thì mới đầu tư”. Theo đó, Đà Nẵng sẽ đợi đơn vị tư vấn Singapore trình quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vào tháng 1/2020 để đưa ra bản quy hoạch thành phố hoàn chỉnh.
"Quan điểm của thành phố là phải làm xong thiết kế quy hoạch chung. Sau đó mới mời các nhà đầu tư, doanh nghiệp vào đầu tư theo quy hoạch của thành phố chứ không để doanh nghiệp vẽ cái nọ cái kia. Chính quyền không theo đuôi doanh nghiệp để phá vỡ quy hoạch, dễ phát sinh lợi ích nhóm.
Ở Đà Nẵng không có kiểu doanh nghiệp dựa vào các mối quan hệ với vị này, vị kia để lên sân khấu nhận hoa, quảng bá hình ảnh rồi lặng lẽ rút sau các sự kiện thu hút đầu tư. Đà Nẵng làm thực chất, kêu gọi đầu tư là phải có kết quả, thực tế”. Mọi thứ hiện nay ở Đà Nẵng phải rõ ràng, minh bạch", ông Trương Quang Nghĩa khẳng định.
Về giải ngân vốn đầu tư, ông Nghĩa cũng thông tin thêm, trong năm 2020 sẽ tăng đầu tư gấp đôi so với năm 2019. Theo đó, tổng vốn giải ngân lên đến 14.300 tỷ đồng (năm 2019 chỉ gần 7.000 tỷ đồng).
“Một số dự án đấu thầu có vấn đề khiếu nại, khiếu kiện như: dự án nhà máy nước Hòa Liên thì sẽ tiến hành kiểm tra lại. Nếu phát hiện có vấn đề thì sẽ hủy thầu. Trong đó, sẽ xem xét trách nhiệm của Trưởng Ban quản lý dự án”, ông Nghĩa nói.