Trao đổi với Zing, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết trên cơ sở Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 của Bộ Y tế, Bộ GTVT đã xây dựng hướng dẫn, kế hoạch cụ thể với từng loại hình giao thông để việc đi lại của người dân, doanh nghiệp thuận lợi hơn trong bối cảnh bình thường mới.
"Chúng ta đã tối đa hóa không gian cho các hoạt động kinh tế, đời sống xã hội và các dịch vụ vận tải. Và quan trọng nhất là không “đóng cửa” đối với hoạt động giao thông vận tải trong bất cứ hoàn cảnh, cấp độ nào của dịch bệnh. Hoạt động vận tải tại khu vực cấp 1, cấp 2 là bình thường, cấp 3, cấp 4 được hoạt động với một số điều kiện cụ thể về y tế, về tần suất. Như vậy, có thể thấy rằng, việc tổ chức hoạt động vận tải đã đáp ứng tinh thần, chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Thời điểm hiện nay đang “hạ nhiệt” về dịch. Chúng ta đã sẵn sàng để vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi kinh tế nên vấn đề đi lại của người dân sẽ rất lớn và chúng ta phải đáp ứng được nhu cầu này", ông Thọ nói.
Ông Thọ nhấn mạnh ngành GTVT luôn xác định rõ trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ phải giữ vững vững mạch máu giao thông, trong đó phải đảm bảo tổ chức vận tải hàng hóa phải thông suốt, không để đứt gãy nhất là giai đoạn đợt bùng phát dịch lần thứ 4. Đến tháng 8, Bộ GTVT đã xây dựng và ban hành Hướng dẫn tạm thời tổ chức vận tải hàng hóa cả 05 lĩnh vực để triển khai thống nhất trên cả nước.
Bộ GTVT đã xây dựng Hướng dẫn tạm thời tổ chức thí điểm hoạt động vận tải hành khách cả 5 lĩnh vực từ ngày 10/10. Hướng dẫn gồm những quy định, điều kiện y tế cụ thể đối với hành khách và các đối tượng liên quan, quy định rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị ngành GTVT và địa phương.
Khi Nghị quyết 128 được ban hành, trên căn cứ hướng dẫn chuyên môn y tế được ban hành kèm theo Quyết định số 4800 của Bộ Y tế, ngày 16/10, Bộ GTVT đã nghiên cứu, ban hành Quyết định số 1812 về Hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải 5 lĩnh vực (đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt và hàng không) đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Do tính đặc thù và quy định riêng tại Nghị quyết 128, lĩnh vực đường sắt và hàng không sẽ tiếp tục thực hiện thí điểm theo các hướng dẫn trước đây cho đến ngày 20/10.
Đối với các loại hình vận tải, Bộ GTVT cũng hướng dẫn cụ thể về từng đối tượng.
Thứ nhất là người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ trên phương tiện, người đi theo phương tiện (đối với vận tải hàng hóa, vận tải người nội bộ) và hành khách tham gia giao thông bằng phương tiện vận tải 5 lĩnh vực.
Thứ hai là các cơ quan quản lý Nhà nước, lực lượng kiểm soát dịch, đơn vị kinh doanh vận tải của 5 lĩnh vực.
"Và một điều rất đáng lưu ý là chúng tôi không khuyến nghị xét nghiệm đối với hành khách đi trên các phương tiện vận tải. Thay vào đó, chỉ xét nghiệm khi người dân đi từ khu vực cấp 4 (nguy cơ rất cao), khi có dấu hiệu nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp 3, người có biểu hiện ho, sốt, khó thở...".
Ông Thọ cho rằng, việc áp dụng kéo dài các biện pháp cấp bách theo Chỉ thị 15, 16 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế của đất nước, cũng như gây áp lực lớn đến đời sống, tâm lý của nhân dân. Vì vậy, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 để chuyển đổi chủ trương phòng, chống dịch sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch là một quyết sách rất đúng đắn. Điều này thể hiện quan điểm chúng ta sẵn sàng sống chung với dịch một cách chủ động, khoa học; đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế.
Với Nghị quyết 128, chúng ta sẽ tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động giao thông vận tải, một cách khoa học. Từ đó, sẽ tạo ra chuyển biến về nhận thức, tư duy và nguyên tắc phòng, chống dịch một cách đồng bộ trên phạm vi cả nước; giải quyết được vướng mắc do các địa phương áp dụng biện pháp, quy định phòng, chống dịch khác nhau.
Các hoạt động giao thông vận tải sẽ được tổ chức một cách thuận lợi, thông suốt nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa cũng như nhu cầu đi lại của người dân, phục vụ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và nhu cầu xuất nhập khẩu của đất nước.