Theo ông Trần Quang Bảo, phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Bộ đã có văn bản hướng dẫn các tỉnh và nêu rõ việc khai thác cây đào, cây mai và một số cây trồng ngoài diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên do tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tự bỏ vốn trồng.
Tùy theo điều kiện cụ thể, địa phương có thể áp dụng biện pháp xác nhận nguồn gốc xuất xứ phù hợp để tạo điều kiện cho người dân, không tạo thêm thủ tục hành chính làm ách tắc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hợp pháp.
Nếu xảy ra hiện tượng cơ quan chức năng giữ đào từ miền núi mang về xuôi, chính quyền địa phương cần chỉ đạo các cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc lưu thông cây đào. Việc kiểm tra trong quá trình lưu thông chỉ nên được thực hiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.
Ông Bảo thông tin đối với cây đào trồng ngoài diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên do tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tự bỏ vốn trồng, người dân tự quyết định khai thác và tự do lưu thông theo quy định của pháp luật.
Tại một số địa phương, số lượng cây đào mọc trong rừng tự nhiên không còn nhiều nhưng việc quản lý cây đào trong rừng tự nhiên cũng tương tự những cây rừng tự nhiên khác. Các địa phương cần phải tăng cường các biện pháp quản lý tại gốc nhằm ngăn chặn triệt để các hành vi chặt phá, khai thác cây rừng tự nhiên, bao gồm cả cây đào.
"Khi không có đào khai thác từ rừng tự nhiên trà trộn vào thị trường thì không phải phân biệt về nguồn gốc. Việc xác nhận nguồn gốc, xuất xứ, dán tem đối với cây đào tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương và nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Với địa phương không có cây đào trong rừng tự nhiên, không nhất thiết phải dán tem xác nhận nguồn gốc" - ông Bảo nói.