Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn.
Bộ Tài chính đề xuất mức thuế đối với xăng giảm 1.000 đồng/lít xăng (trừ etanol), từ 4.000 đồng/lít xuống 3.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 500 đồng/lít, từ 2.000 đồng/lít xuống 1.500 đồng/lít; dầu hỏa giảm 500 đồng/lít, từ 1.000 đồng/lít xuống 500 đồng/lít; mỡ nhờn giảm 500 đồng/kg, từ 2.000 đồng/kg xuống 1.500 đồng/kg.
Riêng thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay giữ như mức hiện hành đang được giảm là 1.500 đồng/lít theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 1/1/2023 thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về biểu thuế bảo vệ môi trường.
Theo Bộ Tài chính, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, trước diễn biến giá dầu thô thế giới liên tục tăng cao trong thời gian gần đây, nhằm giảm bớt tác động xấu do giá dầu tăng cao đối với lạm phát, tiêu dùng và đời sống người dân, một số quốc gia đã triển khai thực hiện giải pháp giảm thuế đối với xăng dầu (tùy đặc điểm mà mỗi quốc gia áp dụng biện pháp giảm thuế khác nhau).
Chẳng hạn Hàn Quốc tạm thời giảm 20% thuế nhiên liệu đối với xăng, dầu diesel và khí hóa lỏng (LPG) trong vòng sáu tháng đến hết tháng 4; Ấn Độ từ ngày 4/11/2021, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng giảm 0,0671 USD/lít và 0,1342 USD/lít đối với dầu diesel.
Thái Lan giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu diesel từ mức 5,99 baht/lít xuống mức 3 baht/lít trong thời hạn ba tháng đến hết ngày 20/5.
Ba Lan giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng trong vòng 5 tháng từ ngày 20/12/2021; giảm thuế giá trị gia tăng đối với gas từ 23% xuống 8% từ tháng 1 đến tháng 3.
Để đảm bảo tính kịp thời của chính sách, Bộ Tài chính đề nghị Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Đồng thời, để đảm bảo thuận lợi trong việc tra cứu, Bộ Tài chính đề nghị quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay tại Nghị quyết này, theo đó Nghị quyết sẽ bãi bỏ Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/2/2021 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Theo Bộ Tài chính, sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2022 sẽ tương đương năm 2019 và nếu giảm thuế bảo vệ môi trường theo đề xuất thì dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ giảm 1 năm khoảng 14.524 tỷ đồng, từ đó tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước (bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng) cả năm khoảng 15.976 tỷ đồng/năm. Cụ thể, số giảm thu ngân sách nhà nước bình quân 1 tháng là 1.331,4 tỷ đồng/tháng.
Nếu tính giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ 1/4/2022 thì số giảm thu ngân sách nhà nước (bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng) sẽ khoảng 11.982 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cho biết, thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường nên chi phí thuế bảo vệ môi trường sẽ được chuyển vào giá thành sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường và người tiêu dùng là người cuối cùng chịu thuế bảo vệ môi trường.
Bộ Tài chính đánh giá việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần làm giảm giá bán, từ đó làm hạn chế sự gia tăng chi phí sản xuất, giảm giá thành sản xuất, ổn định lạm phát.
Ngoài ra, việc giảm thuế còn góp phần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước khi giá dầu thô tăng cao.
Việc đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu còn góp phần hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau dịch COVID-19 và phù hợp với bối cảnh chung của đất nước trong việc đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19.