• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ trưởng Công Thương: Các hồ thủy điện có tác dụng điều tiết, cắt lũ

Các đập thủy điện đều thực hiện đúng quy định về bảo trì, kiểm tra, sửa chữa. Trong...

Tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội sáng 2/11, Bộ trưởng Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, thông tin thủy điện một số nơi gây ngập lụt "chỉ là cách viết trên truyền thông", thực tế quan trắc cho thấy các hồ thủy điện có tác dụng điều tiết, cắt lũ.

Ông Tuấn Anh lý giải, nguyên nhân gây mưa lũ là do tính chất chất cực đoan và dị thường, các cơn bão liên tục, thời gian lưu bão lâu và lượng mưa lớn khiến khu vực địa chất yếu bị sạt lở, gây tai nạn thương tâm. 

Bộ trường Trần Tuấn Anh cho biết cả nước hiện có 429 công trình thủy điện đang vận hành với dung tích khoảng 56 tỷ m3, chiếm 86% dung tích hồ chứa nước toàn quốc. Các đập thủy điện này đều thực hiện đúng quy định về bảo trì, kiểm tra, sửa chữa. Trong đó 401 hồ chứa đã được phê duyệt phương án ứng phó thiên tai.

  Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Hoàng Phong

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Hoàng Phong

Trong đợt bão lũ 2020, Bộ Công Thương cùng các đơn vị liên quan tổ chức các đoàn đi kiểm tra an toàn hồ, đập thủy điện, tất cả công trình được kiểm tra đều đảm bảo an toàn cũng như quy trình vận hành. Số liệu quan trắc cho thấy hồ thủy điện có tác dụng điều tiết, cắt lũ. Đơn cử, thủy điện Đắk Mi 4 là hồ thủy điện dung tích lớn, thời điểm đỉnh lũ ngày 28/10, nước về hồ lên tới 17.000 m3/s. Chính nhờ dung tích lớn nên hồ Đắk Mi 4 có khả năng chứa nước để điều tiết, giúp cắt lũ tới 55%.

Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh: "Nếu không đỉnh lũ về ngày 28/10 sẽ gây ngập lụt trắng toàn bộ khu vực hạ lưu. Chúng ta đã duy trì kéo dài sang ngày 29 và 30/10. Với lượng xả nước ở mức độ thấp hơn lượng nước về hồ, góp phần chống lũ có hiệu quả hơn".

Tại tổ Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cũng cho rằng, nguyên nhân sạt lở chính là mưa bão kỷ lục, cường độ cao, kéo dài gần một tháng. Những hiện tượng này khiến đất đá bị bão hòa, sũng nước, làm tăng các lực gây trượt, vừa làm giảm các lực kháng trượt, thúc đẩy quá trình trượt lở.

Một yếu tố khác cũng gây ảnh hưởng đó là khu vực miền núi Trung Bộ có nhiều yếu tố bất lợi về địa hình như đồi núi cao, phân cắt mạnh, sâu, tạo ra các sườn có độ dốc lớn, địa chất có nhiều đất đá cổ, bị dập vỡ nứt nẻ mạnh, tạo lớp vỏ phong hóa dày, giàu vật chất sét, thảm phủ thực vật bị suy giảm nhiều.

Các hoạt động nhân sinh như xây dựng đường xá, thủy điện, cơ sở hạ tầng, các công trình dân sinh khác..), cả quy hoạch lẫn tự phát, trong nhiều trường hợp tạo taluy, làm mất chân sườn dốc, làm mất ổn định sườn dốc..., cũng gây ra trượt lở hoặc làm trầm trọng thêm các thiệt hại.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã diễn ra 16 loại hình thiên tai; 9 cơn bão trên biển Đông và chuẩn bị đón cơn bão thứ 10; 263 trận giông lốc mưa lớn; 49 trong số 63 tỉnh thành phố đều bị thiên tai các loại; 15 trận lũ lớn, sạt lở đất; 72 trận mưa lớn gây ngập úng lũ... Vì vậy bà Ngân đề nghị cần phải bàn đến các biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai ở các tỉnh miền Trung, vì hiện có nhiều người dân đang rất khổ.

"Trước mắt các lực lượng cần tập trung dọn dẹp trường học, trụ sở, nhà ở của người dân để giúp họ dần ổn định trở lại, chưa bình thường được nhưng cũng giảm bớt khó khăn", bà Ngân nói.

Thanh Mai

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật