Theo đó, Bộ Y tế cho phép các sở y tế căn cứ khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hướng dẫn của nhà sản xuất và Bộ Y tế về tiến độ tiêm chủng, hiệu lực bảo vệ khi tiêm mũi 2 để tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố về khoảng cách giữa 2 mũi tiêm vaccine AstraZeneca.
Thời gian tối thiểu giữa 2 mũi phải đảm bảo tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất và phù hợp với tình hình dịch bệnh, đáp ứng được công tác phòng chống dịch.
Theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất vaccine AstraZeneca, sau khi tiêm mũi 1, từ ngày thứ 22, hiệu lực bảo vệ của vaccine đạt 69,2%.
Sau khi tiêm mũi 2 dưới 6 tuần, hiệu lực đạt 55,1%. Sau 6-8 tuần, tỷ lệ này là 59,7% và sau 12 tuần đạt 80%. Theo nhà sản xuất, mũi 2 nên được tiêm trong khoảng 4-12 tuần sau mũi 1. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo khoảng cách giữa 2 mũi vaccine này từ 8 đến 12 tuần.
Bộ Y tế đã hướng dẫn tiêm mũi 2 vaccine AstraZeneca hoặc vaccine do hãng Pfizer sản xuất cho người đã tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca sau 8-12 tuần.
Sau khi được UBND tỉnh, thành phố chấp thuận rút ngắn thời gian khoảng cách giữa hai mũi tiêm, Bộ Y tế yêu cầu các sở y tế hướng dẫn các cơ sở tiêm chủng lập kế hoạch, lên danh sách đối tượng tiêm và thông tin đầy đủ cho người dân khi tiêm chủng về hiệu quả, tính an toàn để người dân biết và tham gia (nếu được đối tượng tiêm đồng thuận).
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM cho biết, chiến lược xét nghiệm diện rộng của thành phố từ nay đến 30/9 nhằm phân loại nguồn lây nhiễm, điều trị kịp thời, hiệu quả. TP.HCM phấn đấu đạt tiêu chí kiểm soát dịch trước 30/9.
TP.HCM có khoảng 2,3 triệu hộ dân. Qua đợt xét nghiệm thứ 4 vừa qua, thành phố xác định vùng xanh và cận xanh là khoảng 1,2 triệu hộ; vùng vàng là 300.000 hộ; vùng cam là 200.000 hộ; còn lại là vùng đỏ.
Sau mỗi vòng, số hộ trong vùng nguy cơ sẽ thay đổi tùy theo kết quả xét nghiệm. Từ đó, cơ quan chức năng có thể đánh giá lại tình hình dịch bệnh tại thành phố.