Ngày 1/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ban hành quyết định phê duyệt có điều kiện vắc-xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19 là Covid-19 Vaccinne AstraZeneca. Vắc-xin do Catalent Anagni S.R.L (Ý), CP Pharmaceuticals Limited (Anh) và IDT Biologika GmbH (Đức) sản xuất. Cơ sở sản xuất có thể được thay đổi căn cứ vào khả năng cung cấp vắc-xin tại thời điểm cơ sở nhập khẩu nộp Hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu vắc-xin theo quy định tại Điều 67 Nghị định 54/2017/NĐ-CP.
Bộ trưởng Bộ Y tế giao Cục Quản lý Dược có trách nhiệm cấp phép nhập khẩu vắc-xin AstraZeneca theo quy định khi nhận được hồ sơ của cơ sở nhập khẩu, đồng thời đúng quy định của pháp luật về quản lý nhập khẩu, quản lý chất lượng vắc-xin nhập khẩu.
Bộ trưởng giao Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo là đầu mối triển khai đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vắc xin này tại Việt Nam.
Cục Y tế Dự phòng xây dựng kế hoạch tiêm chủng và tổ chức triển khai, hướng dẫn tiêm chủng, giám sát trong quá trình tiêm chủng, theo dõi phản ứng sau tiêm chủng.
Viện Kiểm định Quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế có trách nhiệm tiến hành kiểm định vắc-xin Covid-19 Vaccinne AstraZeneca trước khi đưa ra sử dụng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết theo những người có nguy cơ cao sẽ được ưu tiên tiêm vắc-xin, bao gồm: những người thường xuyên tiếp xúc gần với nguồn lây như y bác sĩ, cán bộ chiến sĩ biên phòng ở tuyến đầu... Chi phí tiêm phòng vắc-xin phòng Covid-19 cho những người này sẽ được Ngân sách nhà nước chi trả.
“Song song đó, các đơn vị sẽ căn cứ vào nhu cầu của người dân để nhập khẩu và sản xuất vắc-xin đồng thời để đáp ứng đủ nhu cầu xã hội”- Thứ trưởng Sơn nói.
Bộ Y tế cũng cho biết Việt Nam sẽ mua 30 liều vắc-xin phòng Covid-19 trong năm 2021. Trong tháng 2 sẽ có những lô vắc-xin đầu tiên được nhập về. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng chủ động, tích cực đàm phán với các hãng có vắc-xin đã được nhiều quốc gia phê duyệt là Pfizer, Moderna và một số nhà sản xuất khác để có thêm vắc-xin cho Việt Nam.