• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bức tranh ngân hàng sẽ ra sao trong năm 2021?

Lãi suất tiếp tục giảm nhẹ trong quý I/2021 và nhu cầu tín dụng được kỳ vọng tăng trưởng...

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh và tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) quý I/2021, do Vụ Dự báo thống kê - Ngân hàng Nhà nước mới thực hiện, cho thấy bức tranh của ngành ngân hàng vẫn chưa thực sự sáng.

Lãi suất tiếp tục giảm trong quý I/2021, nhu cầu vay vốn sẽ tăng hơn nhu cầu gửi tiền 

Theo điều tra, các TCTD cùng nhận định mặt bằng lãi suất đã giảm rõ rệt trong năm 2020, và kỳ vọng tiếp tục giảm nhẹ trong quý I/2021, với mức giảm bình quân kỳ vọng 0,05-0,16% so với cuối năm 2020.

Trong năm 2020, nhu cầu thanh toán, đặc biệt là các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt vượt cao hơn nhu cầu gửi tiền và vay vốn, phản ánh phù hợp với tình hình thực tế trong thời gian dịch bệnh của năm 2020.

Đánh giá riêng trong quý 4/2020, nhu cầu của khách hàng đối với sản phẩm dịch vụ cải thiện tích cực, với 41,3% TCTD nhận định tổng nhu cầu tăng, trong đó nhu cầu thanh toán cải thiện rõ nhất.

Thanh khoản dồi dào, các TCTD kỳ vọng lãi suất vẫn tiếp tục giảm trong quý I/2021 và nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh sẽ tăng trở lại. Ảnh: Zing
Thanh khoản dồi dào, các TCTD kỳ vọng lãi suất vẫn tiếp tục giảm trong quý I/2021 và nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh sẽ tăng trở lại. Ảnh: Zing

Trên cơ sở đó, các TCTD đã điều chỉnh tăng kỳ vọng đối với nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng trong quý I/2021 và cả năm 2021. Theo đó, 52,5-75% TCTD kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng so với con số 50- 71,4% có cùng kỳ vọng ở quý trước.

Đặc biệt, nhu cầu vay vốn được kỳ vọng tăng nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.

Các ngân hàng cũng cho biết sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm giá bình quân sản phẩm dịch vụ (gồm lãi suất biên và phí dịch vụ), với khoảng 20,6% TCTD đã dự kiến giảm ngay trong quý I/2021. Trong năm 2020, có 45,2% TCTD đã giảm giá các sản phẩm dịch vụ này. 

Về thanh khoản, đánh giá tổng thể năm 2020, hầu hết ngân hàng cùng cho biết tình hình thanh khoản dồi dào hơn so với năm 2019. Thanh khoản toàn hệ thống được kỳ vọng tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt trong quý I/2021 và cả năm 2021, là cơ sở cho tín dụng  phục hồi mạnh sau đại dịch COVID-19.

Nhu cầu vay thương mại và dịch vụ sẽ tăng trong quý I/2021

Do tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, nhu cầu tín dụng tổng thể của khách hàng tăng chậm lại rõ rệt trong năm 2020. Trong đó, nhu cầu vay vốn cho đầu tư du lịch và kinh doanh chứng khoán được nhận định giảm so với năm 2019. Tuy nhiên, nhu cầu với nhóm này đang được kỳ vọng tăng trưởng khả quan trở lại trong năm 2021. Dẫn đầu là kỳ vọng về nhu cầu vay thương mại và dịch vụ, đặc biệt là vay xuất, nhập khẩu.

Dù các TCTD cho biết dự kiến tiếp tục cắt giảm lãi suất và phí phi lãi suất trong 6 tháng đầu năm 2021, để hỗ trợ, tăng khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng, nhưng xếp hạng tín nhiệm của khách hàng và điều kiện, điều khoản khác sẽ được bổ sung trong hợp đồng tín dụng, nhằm hạn chế rủi ro. 

Trong bối cảnh dịch bệnh, năm 2020, lĩnh vực “bán buôn, bán lẻ” và “xuất nhập khẩu” được nhiều TCTD lựa chọn là động lực tăng trưởng hơn các lĩnh vực khác. Dự kiến 6 tháng đầu năm và cả năm 2021, các ngân hàng vẫn tiếp tục tập trung cho vay với nhóm này.

Bán buôn, bán lẻ, dịch vụ là nhóm ngành được ngân hàng tiếp tục tập trung cho vay trong năm 2021. Ảnh: TTXVN
Bán buôn, bán lẻ, dịch vụ là nhóm ngành được ngân hàng tiếp tục tập trung cho vay trong năm 2021. Ảnh: TTXVN

Các TCTD cũng cho biết sẽ “nới lỏng” hơn tiêu chuẩn tín dụng đối với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa;  ưu tiên và giảm “thắt chặt” tiêu chuẩn tín dụng hơn đối với các nhóm khách hàng khác. Cơ sở để thực hiện việc “nới lỏng” tiêu chuẩn tín dụng trong năm  2021 là triển vọng kinh tế vĩ mô khả quan, phù hợp chính sách và định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tín dụng dự kiến tăng 13%,  lợi nhuận sẽ phục hồi

Dự kiến trong thời gian tới, có 66,3% TCTD kỳ vọng kinh doanh trong quý I/2021 cải thiện hơn so với quý IV/2020 và 81% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh trong năm 2021 cải thiện hơn so với năm 2020. Tuy nhiên, chỉ số cân bằng mới đạt 51,4%, ghi nhận mức thấp nhất kể từ năm 2014 đến nay. Điều này có nghĩa các ngân hàng vẫn còn quan ngại về khó khăn trong năm 2021, do tác động tiêu cực trong thời kỳ hậu COVID-19.

Trong quý I/2021, các ngân hàng kỳ vọng huy động vốn toàn hệ thống sẽ tăng bình quân 3,5% và cả năm sẽ tăng 11,9%. Hầu hết ngân hàng đều nâng mức dự báo về tăng trưởng huy động vốn năm 2021, ngoại trừ nhóm ngân hàng nhỏ. Theo đó, dư nợ tín dụng của hệ thống cũng được dự báo tăng 3,6% trong quý I/2021 và tăng 13% trong năm 2021. 

Về lao động, theo Vụ Dự báo thống kê, trong quý I/2021, có 78,2% số ngân hàng cho biết lực lượng lao động vẫn được giữ nguyên hoặc tăng lên so với quý IV/2020. Tuy nhiên, tốc độ tuyển dụng đã chậm lại trong quý cuối năm 2020. Tính đến cuối năm 2020, có 60% TCTD cho biết đã tuyển thêm lao động; 26,7% giữ nguyên và 13,3% có cắt giảm lao động trong năm.

Dù tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tổng thể của năm 2020 ở mức thấp hơn so với năm 2019, nhưng kết quả điều tra cho thấy, các ngân hàng cùng kỳ vọng lợi nhuận trong năm 2021 sẽ phục hồi và tăng khá so với năm 2020. 

Đáng chú ý, tỷ lệ các TCTD đánh giá rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng trong năm 2020 tăng lên ở mức cao nhất (52,9%). Nhóm khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng công ty cổ phần, công ty TNHH và doanh nghiệp tư nhân được đánh giá có rủi ro tăng cao hơn so với các nhóm khách hàng còn lại.

Rủi ro của các khoản vay kinh doanh bất động sản được nhận định “tăng” cao nhất, rủi ro của các khoản vay ngắn hạn được nhận định tăng cao hơn các khoản vay trung, dài hạn.

Các TCTD kỳ vọng rủi ro tín dụng giảm nhẹ trong năm 2021 so với năm 2020.


H.LINH

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật