Bài viết nêu bật những yếu tố được cho sẽ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2022. Theo đó, tác giả bài viết cho rằng các hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam là một yếu tố thu hút các nhà đầu tư. Việt Nam đã sử dụng các FTA như một công cụ để tăng cường sức mạnh kinh tế và an ninh tài chính.
Điều này sẽ giúp Việt Nam tiếp tục chuyển từ xuất khẩu các sản phẩm công nghệ thấp và hàng hóa sơ cấp sang các hàng hóa công nghệ cao phức tạp hơn như điện tử, máy móc, xe cộ và thiết bị y tế.
Theo tác giả, việc thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) vào năm 2020 là một ví dụ điển hình. Ngoài ra, sau khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2022, các doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu và mang lại hàng hóa chất lượng cao cho người tiêu dùng. Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi nhờ nhu cầu cao đối với nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
Cũng theo tác giả, hoạt động mua lại và sáp nhập (M&A) nhiều khả năng sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế Việt Nam vào năm 2022. Sau khi bị gián đoạn do đại dịch COVID-19 trong năm 2020, hoạt động M&A trong 9 tháng đầu năm 2021 đã nhộn nhịp trở lại với tổng giá trị các thương vụ đạt 3 tỷ USD. Bài viết dự báo, trong quá trình Việt Nam phục hồi nền kinh tế, hoạt động M&A sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn nữa vào năm 2022, nhất là khi Chính phủ Việt Nam đã nới lỏng một số quy định trong luật đầu tư và doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho các thương vụ M&A.
Tác giả bài viết cho rằng các gói hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam dành cho các doanh nghiệp để giúp thúc đẩy nền kinh tế vượt qua đại dịch cũng là một yếu tố quan trọng. Theo đó, các doanh nghiệp nên tận dụng các gói hỗ trợ này để cải thiện dòng tiền.
Ngoài ra, cùng với việc Chính phủ Việt Nam nới lỏng thủ tục nhập cảnh từ năm 2022, việc nới lỏng quy định về giấy phép cho lao động nước ngoài được đánh giá sẽ tạo điều kiện thêm cho các doanh nghiệp và người lao động vào Việt Nam để tìm kiếm cơ hội việc làm.
Theo bài viết, ngành du lịch cũng đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Từ năm 2022, Việt Nam có kế hoạch cho phép người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đã tiêm phòng COVID-19 đầy đủ tự cách ly tại nhà hoặc nơi ở miễn họ có kết quả xét nghiệm âm tính. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét khôi phục chế độ miễn thị thực cho khách du lịch lưu trú tại Việt Nam dưới 15 ngày. Ngoài ra, 9 đường bay quốc tế đã được “bật đèn xanh” để nối lại các chuyến bay thương mại.
Bài viết kết luận năm 2021 mang đến những thách thức đáng kể cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam khi họ vừa phải đối phó với những diễn biến của thị trường sở tại, vừa lo ngại về những khó khăn của chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch COVID-19. Một số vấn đề mà Việt Nam phải đối mặt trong năm 2021 có thể sẽ tiếp diễn vào năm 2022. Tuy nhiên, tác giả cho rằng sự phát triển có mục tiêu và tập trung hơn của Việt Nam vào các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho tăng trưởng, đặc biệt là trong các lĩnh vực giúp thúc đẩy điểm mấu chốt của sự ổn định kinh tế và sinh kế của người dân. Trong bối cảnh khó khăn, nền kinh tế Việt Nam được đánh giá vẫn đang trên đà ghi nhận mức tăng trưởng tích cực vào năm 2022.
Trong năm tới, Việt Nam vẫn là một ứng cử viên sáng giá cho đầu tư từ Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Bên cạnh đó, với các chính sách thân thiện với nhà đầu tư, sự ổn định kinh tế và chính trị tương đối, chi phí hiệu quả và triển vọng nhu cầu tiêu dùng, Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục thu được lợi nhuận từ việc tái cơ cấu chuỗi cung ứng ở châu Á bên cạnh việc thu hút một loạt nhà đầu tư mới về địa lý và lĩnh vực.