Tăng tuổi nghỉ hưu
Theo bộ luật lao động năm 2019, người lao động (NLĐ) có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) không cần lý do trong một số trường hợp như bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập, bị quấy rối tình dục ở nơi làm việc, lao động nữ mang thai mà môi trường làm việc có thể ảnh hưởng xấu đến thai nhi, không được bố trí theo đúng công việc…
HĐLĐ sẽ được giao kết theo một trong các loại: HĐLĐ không xác định thời hạn hoặc HĐLĐ xác định thời hạn, không có HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định nhằm tránh trường hợp người sử dụng lao động trốn tránh các nghĩa vụ như đóng bảo hiểm cho NLĐ.
Tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ. NLĐ có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với độ tuổi nghỉ hưu nêu trên.
8 ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh
Luật đầu tư năm 2020 có hiệu lực thi hành từ 1-1-2021 quy định 8 ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh gồm: Kinh doanh các chất ma túy; Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật; Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã và mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên; Kinh doanh mại dâm; Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người; Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người; Kinh doanh pháo nổ; Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Như vậy số lượng ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (từ 243 giảm còn 227) đã giảm. Đồng thời tăng thêm hình thức ưu đãi đầu tư như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất; khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế.
Bảo mật thông tin hòa giải, đối thoại
7 trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại tại tòa án, gồm: Yêu cầu đòi bồi thường do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước; Vụ việc phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội; Người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được mời tham gia hòa giải, đối thoại hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan hoặc không thể tham gia hòa giải, đối thoại được vì có lý do chính đáng;
Một bên vợ hoặc chồng trong tranh chấp ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự; Một trong các bên đề nghị không tiến hành hòa giải, đối thoại; Một trong các bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính; Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, luật này cũng quy định hòa giải viên, các bên, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác được mời tham gia hòa giải, đối thoại không được tiết lộ thông tin mà mình biết được trong quá trình hòa giải, đối thoại.
Trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại. Việc lập biên bản chỉ được thực hiện để ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng tài liệu, lời trình bày của các bên trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc, trừ một số trường hợp.