Hiệu ứng FOMO (Fear Of Missing Out - nỗi sợ bị bỏ rơi, sợ mất cơ hội) đang xâm lấn nhiều người trẻ. Đặc biệt là khi các cuộc chiến khuyến mại, giảm giá bùng nổ, bủa vây người dùng.
Nhiều người ngồi ghi ra những đồ vật nào cần mua hoặc không và bỏ vào giỏ hàng trước. Sau đó ghi lại giá niêm yết của sản phẩm để vào ngày săn sale mang ra so sánh rồi lựa chọn.
"Năm trước vào ngày 9/9, tôi có đặt mua một chiếc nồi chiên không dầu với giá 580.000 đồng. Lúc đó, tôi thật sung sướng vì nghĩ mình săn được hàng rẻ. 3 hôm sau, tôi vào gian hàng đó, vẫn chiếc nồi đó, màu đó, thậm chí, không phải ngày khuyến mại mà chỉ có giá 575.000 đồng, nghĩa là tôi đang mua phải giá đắt nhưng bản thân lại nghĩ là rẻ", Chu Hiền kể lại.
"Săn sale" chỉ có ý nghĩa thực sự khi mọi người mua được đồ tốt, giá rẻ chứ không phải là mua đồ lỗi, giá rẻ. Trên sàn thương mại điện tử cũng có nhiều gian hàng và không phải địa điểm nào cũng tốt, nhiều cửa hàng còn bán hàng giả, hàng kém chất lượng khiến khách "tiền mất tật mang".
Vào các "ngày đôi", nhiều cửa hàng thời trang, mỹ phẩm đồng loạt treo biển "Sale up to 80". Nếu không để ý, người mua sẽ tin việc cửa hàng giảm giá 80% vì chữ "up to" được ghi bé xíu và phóng to chữ "Sale" và "80".
Chủ một cửa hàng thời trang ở Hà Nội tiết lộ, chiêu thức này sẽ dẫn dụ được khách hàng đến mua sắm. Những sản phẩm giảm giá tới 80% chỉ là đồ cũ, lỗi mốt hoặc đồ cửa hàng muốn đẩy đi. Đồ mới thì chỉ giảm giá cho có như 5%, 10%.
Người tiêu dùng cần nắm rõ: Thứ nhất là hãy liệt kê ra những món đồ thực sự muốn mua, không mua tràn lan. Thứ hai là chọn cửa hàng uy tín, cho phép đổi trả hàng nếu xảy ra lỗi hỏng. Thứ ba là hãy tiêu tiền thông minh, đúng lúc đúng chỗ.