Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) đang lấy ý kiến dự thảo nghị định về đầu tư ra nước ngoài theo hướng ngăn chặn đầu tư bất động sản tại nước ngoài để mua quốc tịch, chống rửa tiền và các cá nhân lợi dụng để tẩu tán tài sản.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng cần có giải pháp phù hợp để không làm ảnh hưởng đến những người đầu tư chính đáng.
Một lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết, Nghị định 83 về đầu tư ra nước ngoài hiện hành không có hạn chế đối với cá nhân đầu tư ra nước ngoài nhưng vẫn cần một số trường hợp cần phải hạn chế. Chính vì vậy, dự thảo lần này đã bổ sung quy định các trường hợp cá nhân không được đầu tư ra nước ngoài là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; cán bộ lãnh đạo, quản lý DNNN; người chưa thành niên, người bị hạn chế,mất năng lực hành vi dân sự, người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; các trường hợp khác theo quy định Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.
Việc bổ sung quy định phù hợp với pháp luật và giúp hạn chế các cá nhân đang "có vấn đề" lợi dụng đầu tư ra nước ngoài để tẩu tán tài sản.
Ngoài ra, Luật đầu tư 2020 còn quy định hoạt động đầu tư ra nước ngoài kinh doanh bất động sản là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Dự thảo bổ sung chỉ có các DN mới được đầu tư bất động sản ở nước ngoài. Đây là quy định nhằm tránh tình trạng cá nhân mua bất động sản để định cư ở nước ngoài mà không nhằm mục tiêu đầu tư, kinh doanh.
Liên quan đến việc này, một lãnh đạo Cục Đầu tư thông tin quy định vẫn chưa thể khắc phục hoàn toàn tình trạng lách luật để đầu tư ra nước ngoài mua bất động sản qua đó có quốc tịch, dự tháo cũng đã bổ sung thêm các quy định trong cấp phép đầu tư.
Đối với hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài từ 20 tỉ đồng trở lên, không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng, Quốc hội nhưng Bộ KH&ĐT sẽ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cung cấp thông tin về vốn đã chuyển ra nước ngoài trước khi được cấp phép, nhà đầu tư có vi phạm quy định quản lý ngoại hối để xem xét trước khi cấp phép.
Phó chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng, có một số người muốn định cư và nhập quốc tịch nước ngoài, có nhiều công ty đang đáp ứng nhu cầu này với suất đầu tư lên đến vài tỉ, vài chục tỉ tùy từng quốc gia muốn đến. Đó là lý do dự thảo nghị định về đầu tư ra nước ngoài muốn ngăn chặn tình trạng này nhưng lại vô tình làm ảnh hưởng cả những người đầu tư chính đáng.
Việc cấm cá nhân nhưng lại cho DN đầu tư kinh doanh bất động sản ở nước ngoài chưa có nhiều tác dụng. Cá nhân muốn đầu tư sẽ lập công ty và vẫn có thể mua đất như bình thường, cá nhân cũng có thể nhập quốc tịch, giải thể công ty. Như vậy, động cơ mang tiền ra nước ngoài mua quốc tịch của nhiều cá nhân vẫn đạt được.
Ông Toàn phản đối các giải pháp được đưa ra trong nghị định. Ông cho rằng nên cân nhắc tới hiệu quả của giải pháp nhất là khi các nước có chính sách thu hút đầu tư. Chúng ta nên tính đến giải pháp liên kết với các nước để ngăn chặn những người có hành vi đầu tư ra nước ngoài với mục đích nhập tịch để trốn tránh trách nhiệm trong nước.
"Việt Nam hoàn toàn có thể đàm phán với các nước để ký kết các hiệp định, có giải pháp để liên kết cùng giải quyết”, ông Nguyễn Văn Toàn đề xuất.
Ông Toàn phân tích, nếu đầu tư để rửa tiền, tài trợ khủng bố chống đối thì cần xử lý nghiêm còn nếu phục vụ kinh doanh thì không nên quá khắt khe.
Cùng quan điểm trên, TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng - cho rằng việc quy định cá nhân hay pháp nhân được phép đầu tư kinh doanh bất động sản ở nước ngoài không có nhiều ý nghĩa. Cần có các quy định để cá nhân cũng như DN được đầu tư bất động sản nào ở nước ngoài. Có thể khuyến khích đầu tư bất động sản thương mại như trung tâm mua sắm... để thu được ngoại tệ và đưa thương hiệu Việt ra quốc tế.
Tuy nhiên, nếu cá nhân, DN đầu tư mua một chục căn nhà ở nước ngoài để cho thuê, để mua đi bán lại hoặc để ở sẽ không có lợi cho đất nước mà lại bị mất ngoại tệ, cần hạn chế.
TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc giới hạn, kiểm soát chuyển ngoại tệ ra nước ngoài là rất cần thiết vì nền kinh tế đang trong giai đoạn cần có quản lý ngoại hối. Dự trữ ngoại tệ của Việt Nam chưa đủ lớn, chưa bền vững vì vậy cần đảm bảo dự trữ ngoại hối, ổn định kinh tế vĩ mô. Với bối cảnh kinh tếViệt Nam hiện nay, việc đưa ra hạn mức chuyển ngoại tệ ra nước ngoài vẫn rất cần thiết.