Thời gian gần đây, việc hóa đơn tiền điện tăng đột biến khiến nhiều gia đình lo lắng. Để giảm chi phí, nhiều hộ gia đình đã tìm mua các thiết bị tiết kiệm điện.
Theo quảng cáo thì các mặt hàng này có thể tiết kiệm 25%-50% lượng điện tiêu thụ hằng tháng. Tuy nhiên, sau khi mua về sau một tháng sử dụng thì tôi thấy hiệu quả không như quảng cáo mà còn phải trả nhiều tiền hơn.
Sản phẩm được coi là tiết kiệm điện là một hộp nhựa, bên ngoài có đèn LED, chốt cắm cùng với hướng dẫn sử dụng đều là tiếng Anh, bao gì không ghi nơi sản xuất và thông số.
GS-TS Lê Tiến Thường, giảng viên Khoa điện - điện tử, ĐH Bách Khoa TP.HCM, khẳng định lời quảng cáo các thiết bị tiết kiệm điện có khả năng giảm 25%-50% lượng điện tiêu thụ là điều không thể. Thiết bị này chỉ có vài dây điện, các tụ điện nhỏ và đèn LED được lắp ghép đơn giản, đây chỉ là thiết bị điện bình thường, không có khả năng tiết kiệm điện.
Ông Thường cũng cho biết, thiết bị tiết kiệm điện hay còn gọi là tụ bù được hoạt động trên nguyên tắc giảm tối thiểu công suất vô ích phát sinh trong quá trình sử dụng thiết bị điện. Các tụ bù chỉ tiết kiệm trên dưới 10% lượng điện tiêu thụ. Tuy nhiên tụ bù cũng phải dựa trên điện năng nên vẫn tiêu tốn lượng điện nhất định và thường được sử dụng ở các doanh nghiệp, phân xưởng.
Người dân sống hộ gia đình nên sử dụng các thiết bị điện có gắn sẵn nhãn xanh tiết kiệm điện, vì trong chính các sản phảm này đã có lắp đặt các tụ bù tiết kiệm điện.
“Người dân cần nâng cao ý thức sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, chứ không nên trông chờ vào cái gọi là thiết bị tiết kiệm điện. Việc sử dụng các tụ bù không rõ nguồn gốc, không rõ thông số kỹ thuật cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, rủi ro về điện” - GS Thường khuyến cáo.