• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Căng thẳng Mỹ-Trung là cơ hội để Việt Nam trở thành nước “công nghiệp phát triển”?

Thủ tướng Việt Nam mới đây lại nhắc đến mục tiêu là Việt Nam trở thành nước “công...

Theo Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ Việt Nam, tại lễ kỷ niệm 20 năm hoạt động thị trường chứng khoán Việt Nam , diễn ra ở TP.HCM ngày 20/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị thị trường chứng khoán “góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại phát triển thịnh vượng trong 15-20 năm tới”.

Mục tiêu Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và nước công nghiệp phát triển hiện đại vào năm 2045 được đề ra trong một nghị quyết hồi tháng 3/2018 của Bộ Chính trị.

Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc làm nhiều công ty của Mỹ và các nước phát triển muốn rời khỏi Trung Quốc, một số nhắm đến Việt Nam, một số nhà quan sát, bình luận cho rằng điều này có thể tạo thuận lợi cho Việt Nam theo đuổi tham vọng trở thành nước công nghiệp phát triển.

Giáo sư Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế và chính trị thế giới, nói rằng Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng để đón các hãng Mỹ, châu Âu, Nhật Bản rời Trung Quốc đến Việt Nam. Tuy nhiên, theo giáo sư Võ Đại Lược, không nên kỳ vọng quá cao vì Trung Quốc là thị trường cực lớn, có sức hút rất mạnh mẽ mà Việt Nam và các nước Đông Nam Á không so được, dẫn đến nguy cơ giảm ý muốn di chuyển của các doanh nghiệp.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trên bình diện rộng hơn, chuyên gia Võ Đại Lược phân tích, để Việt Nam đạt được mục tiêu thành nước công nghiệp phát triển, quan hệ đối ngoại là một yếu tố “cực kỳ quan trọng”, đặc biệt cần có quan hệ tốt với Mỹ và châu Âu là “hai nơi phát triển nhất”. Ông lý giải thêm:

“Nhìn ở Đông Á, những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore đều là đồng minh hoặc thân cận của phương Tây. Trong thế giới hiện nay, Việt Nam không là đồng minh của ai cả. Việt Nam chưa phải đồng minh của Mỹ. Và như vậy, vấn đề đặt ra là không có sự hỗ trợ tích cực của những nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu về hai mặt công nghệ và thị trường”.

Mặc dù vậy, theo chuyên gia Võ Đại Lược, vẫn xuất hiện điểm sáng là việc Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn và thực thi Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA). Điều này sẽ mở rộng cửa cho Việt Nam tận dụng thị trường và công nghệ của châu Âu.

Theo chuyên gia kinh tế này, Việt Nam cũng cần có thêm hiệp định tương tự với Mỹ. Ông nhấn mạnh: “Việt Nam trong những năm tới đây muốn bứt phá thì phải có một hiệp định thương mại tự do với Mỹ. Việc thông qua hiệp định như vậy, chính phủ Mỹ có thể hỗ trợ Việt Nam về mặt công nghệ, kỹ thuật, thị trường. Thiếu những nhân tố bên ngoài như vậy, Việt Nam khó bứt phá”.

Theo ông Võ Đại Lược, trong hợp tác với các nước phát triển nhất, trọng tâm mà Việt Nam cần hướng tới là các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Việc các trung tâm này đến nghiên cứu ở Việt Nam và thương mại hóa các công nghệ cao ở Việt Nam mới là điều quan trọng. Các trung tâm R&D của Mỹ, Nhật Bản, châu Âu ở Việt Nam hiện vẫn “quá ít”.

Ông Võ Đại Lược cho biết, sở dĩ phải chú trọng các đối tác là những nước tiên tiến vì số doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có thể đóng vai trò đầu tàu hiện chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Chuyên gia kinh tế này đánh giá: “Trường hợp Vingroup , FLC … ít lắm, mà phần lớn các vị đấy làm kinh doanh bất động sản. Vingroup bắt đầu mới chuyển sang làm ô tô, điện thoại di động nhưng chủ yếu vẫn là lắp ráp, chưa phải là sản xuất. Có thể nói, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam có tới 98% là nhỏ và vừa, nhỏ, cực nhỏ. Chỉ 2% tạm gọi là trung bình và lớn. Những doanh nghiệp lớn nhất đều là bất động sản. Thành ra khu vực tư nhân hơi kém”.

Dự đoán về tương lai, Giáo sư Võ Đại Lược nêu ra hai kịch bản. Về khả năng thứ nhất: “Với tất cả các điều kiện hiện nay, Việt Nam đang ở điều kiện thuận lợi để có thể bứt phá. Nếu Việt Nam khai thác được các thuận lợi đó, trong vòng 20 năm tới, Việt Nam cũng có thể trở thành một nước phát triển ở mức độ thấp, chứ không phải là cao như châu Âu hay Mỹ, nhưng bứt phá khỏi các nước đang phát triển”.

Tuy nhiên, Giáo sư Võ Đại Lược lưu ý rằng, điểm lại lịch sử thế giới, trong mấy thập kỷ gần đây, số nước từng thuộc diện đang phát triển đã bứt phá thành công, gia nhập đội ngũ nước phát triển là con số ít. Vì vậy, ông nêu ra khả năng thứ hai có tính thực tiễn hơn là: “Trong vòng 10 đến 15 năm tới, Việt Nam có thể đạt được trình độ nước đang phát triển ở hạng cao một chút chứ chưa thành nước phát triển được”.

(Nguồn: TTXVN)

PV (t/h)

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật