Tại Nhật Bản, đã có hàng loạt trường hợp thực tập sinh và sinh viên từ Việt Nam bắt đầu tham gia đánh bạc vì được bạn bè hoặc mối quan hệ trên mạng xã hội giới thiệu. Từ đó, đẩy họ vào cảnh nợ nần chồng chất. Trong một số trường hợp, họ bị các băng nhóm tội phạm Việt Nam bắt cóc hoặc hành hung vì không trả được nợ.
"Tôi muốn giành lại số tiền đã mất", một thực tập sinh người Việt Nam ở độ tuổi 30 nói với Mainichi Shimbun. Anh cho rằng, nhóm điều hành cờ bạc “cho tôi vay tiền ngay lập tức nên tôi bị mắc kẹt trong vòng quay bất tận”. Anh cho biết mình đã vay 30 triệu yên (khoảng 273.300 USD) trong khoảng 8 tháng.
Khoảng 30 công dân Việt Nam, bao gồm cả thực tập sinh bất hợp pháp và các cựu sinh viên, tụ tập trong một căn hộ của một người bạn đánh bạc. Một thực tập sinh Việt Nam cho biết, có những tờ tiền 10.000 yên với tổng trị giá ít nhất 10 triệu yên (khoảng 91.100 USD) trong phòng. Các phiên đánh bạc diễn ra ở nhiều nơi khác nhau và hầu như mọi lúc. Theo đó, những người tham gia sẽ được thông báo địa điểm thông qua mạng xã hội. Đặc biệt, hệ thống này được thiết kế để tránh bị các nhà chức trách và cảnh sát phát hiện.
Một người đàn ông bắt đầu đánh bạc sau khi đồng nghiệp Việt Nam mời anh ta đến tham gia lần đầu. Lương hàng tháng của anh là 125.000 yên (khoảng 1.138 USD) và anh ta muốn kiếm nhiều tiền hơn. Tuy nhiên, sau mỗi lần rời cuộc chơi, anh ta đều rơi vào vòng xoáy nợ nần chồng chất.
Mặc dù vậy, anh đã xoay sở để trả lại số tiền này, đôi khi là nhờ sự hỗ trợ của gia đình. Sau đó, anh ta lại gánh thêm một khoản nợ 8 triệu yên chỉ trong một ngày. Anh bắt đầu lo sợ cho sự an toàn của bản thân và quyết định đến gặp cảnh sát để tìm kiếm sự bảo vệ.
Các băng nhóm tội phạm cũng sử dụng cờ bạc như một cái cớ để bắt cóc, giam giữ hoặc gây thương tích cho những người tham gia và đòi tiền từ gia đình họ. Người đàn ông nói: "Tôi rất hối hận về hành động của mình lúc này. Gia đình tôi cũng đang gặp nguy hiểm. Tôi chỉ lo lắng cho gia đình của mình".
Jiho Yoshimizu, người đứng đầu Nhóm hỗ trợ Tomoiki Nhật Bản Việt Nam, có trụ sở tại phường Minato, Tokyo, cho biết họ bắt đầu nhận được nhiều yêu cầu hơn từ các công dân Việt Nam liên quan đến cờ bạc và tội phạm khác vào mùa thu năm ngoái, khi tình hình dịch COVID-19 trở nên tồi tệ hơn.
Ngày càng nhiều công dân Việt Nam không thể trở về nước mặc dù thời hạn cư trú của họ đã hết. Những người này đã được thả tạm thời khỏi các cơ sở giam giữ người nhập cư và không được phép làm việc, và nhiều người trong số họ đã tham gia vào con đường tội phạm.
Ông Yoshimizu nói: “Ngoài việc sắp xếp một môi trường mà những công dân Việt Nam không thể trở về nước có thể làm việc, tôi mong muốn các cơ quan công quyền như cảnh sát tích cực tham gia vào các nỗ lực giáo dục người Việt Nam".
Kể từ tháng 2, Cảnh sát tỉnh Saitama đã thực hiện các buổi thuyết trình dành cho khách mời là công dân Việt Nam để truyền đạt bản chất bất hợp pháp và nguy hiểm của cờ bạc.
Vào ngày 25/2, 27 người đã tham gia một buổi học tại một trường dạy nghề có nhiều học sinh Việt Nam ở phường Urawa của thành phố Saitama. Một đại diện cảnh sát giơ một tờ rơi giáo dục viết bằng tiếng Việt và nói: "Đánh bạc là một tội ác ở Nhật Bản. Có những trường hợp bạn có thể bị sa vào một vụ việc nghiêm trọng sau khi gánh nhiều nợ, vì vậy xin đừng bao giờ làm như vậy".
Một thanh niên 21 tuổi đến từ Việt Nam đã tham gia buổi thuyết trình nói: "Tôi muốn cẩn thận để không bao giờ dính vào cờ bạc". Một đại diện bộ phận điều tra quốc tế của Cảnh sát tỉnh Saitama cho biết: "Dù thắng hay thua, bạn vẫn có khả năng dính vào xung đột hoặc tội phạm. Tôi muốn mọi người nhận thức rõ ràng rằng cờ bạc là bất hợp pháp".