• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cập nhật dịch COVID-19 ngày 30/3: TP.HCM tạm ngừng thăm bệnh, ngừng hoạt động các phòng khám tư nhân

Cập nhật liên tục tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam và thế giới với các nguồn tin chính...

* TP.HCM tạm ngừng thăm bệnh, ngừng hoạt động các phòng khám tư nhân

Bắt đầu từ ngày 30/3, các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM tạm ngừng thăm bệnh tại bệnh viện, đồng thời Thành phố cũng tạm ngừng hoạt động cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng của phòng khám đa khoa và bệnh viện (trừ cấp cứu) và tất cả các phòng khám chuyên khoa tư nhân để phòng, chống dịch COVID-19. Đây là chỉ đạo khẩn của Sở Y tế TP.HCM gửi các cơ sở y tế trên địa bàn chiều tối ngày 30/3.

Theo đó, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đặc biệt là bắt đầu xuất hiện lây nhiễm bệnh cho nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân... Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh đã yêu cầu các bệnh viện thực hiện nghiêm việc sàng lọc dịch bệnh COVID-19, phân luồng, kiểm soát triệt để người bệnh, người nhà và khách đến liên hệ công tác, các đơn vị, cá nhân tham gia cung ứng các dịch vụ hậu cần tại bệnh viện như nhân viên vệ sinh, bảo vệ, giặt ủi, siêu thị mini, căng-tin... tại bệnh viện.

Các bệnh viện cần có hình thức thông báo cho người bệnh, người nhà người bệnh về việc tạm ngừng thăm bệnh tại bệnh viện kể từ ngày 30/3. Mỗi người bệnh chỉ có duy nhất 1 người nhà chăm sóc và hỗ trợ. Sở Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế cân nhắc việc chỉ định bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú nhằm hạn chế số lượng người bệnh nội trú tại bệnh viện.

Bên cạnh đó, cơ sở y tế cần lên phương án cách ly trong trường hợp nhân viên y tế, người nhà, người bệnh, kiểm soát các cá nhân, đơn vị dịch vụ bên ngoài như nhân viên dịch vụ căng-tin, giặt ủi, vệ sinh, bảo vệ… phát hiện nhiễm bệnh. Trong trường hợp có sự lây nhiễm chéo trong bệnh viện cần ngừng ngay hoạt động khám chữa bệnh (trừ trường hợp cấp cứu), tạm thời cách ly toàn bộ bệnh viện.

* Thêm 9 bệnh nhân nhiễm COVID-19, Việt Nam vượt 200 ca

18h chiều 30/3, Bộ Y tế công bố thêm 9 ca bệnh mắc mới, trong đó có 7 ca bệnh là nhân viên công ty Trường Sinh, như vậy đến thời điểm này Việt Nam đã có 203 trường hợp mắc COVID-19, theo báo Sức khỏe và đời sống.

CA BỆNH 195 (BN195): Bệnh nhân nữ, 41 tuổi, là nhân viên công ty TNHH Trường Sinh tại căng tin Bệnh viện Bạch Mai.

CA BỆNH 196 (BN196): Bệnh nhân nữ, 34 tuổi, là nhân viên công ty TNHH Trường Sinh tại căng tin Bệnh viện Bạch Mai.

CA BỆNH 197 (BN197): Bệnh nhân nam, 41 tuổi, 41 tuổi, địa chỉ khu đô thị Thanh Hà, Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội. Ngày 12/3/2020, bệnh nhân có đến khám tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai. Ngày 29/3/2020 đươc lấy mẫu xét nghiệm.

CA BỆNH 198 (BN198): Bệnh nhân nữ, 53 tuổi, là nhân viên công ty TNHH Trường Sinh tại căng tin Bệnh viện Bạch Mai.

CA BỆNH 199 (BN199): Bệnh nhân nữ, 57 tuổi, là nhân viên công ty TNHH Trường Sinh tại căng tin Bệnh viện Bạch Mai.

CA BỆNH 200 (BN200): Bệnh nhân nữ, 61 tuổi, là nhân viên công ty TNHH Trường Sinh tại căng tin Bệnh viện Bạch Mai.

CA BỆNH 201 (BN201):Bệnh nhân nữ, 23 tuổi, là nhân viên công ty TNHH Trường Sinh tại căng tin Bệnh viện Bạch Mai.

CA BỆNH 202 (BN202):Bệnh nhân nữ, 57 tuổi, là nhân viên công ty TNHH Trường Sinh tại căng tin Bệnh viện Bạch Mai. Hiện cả 8 trường hợp trên được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh và có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2, tình trạng sức khoẻ ổn định.

CA BỆNH 203 (BN203): Bệnh nhân nữ, quốc tịch Việt Nam, 35 tuổi. Bệnh nhân đi từ Hy Lạp về trên chuyến bay TK162, số ghế 21A, có quá cảnh ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhập cảnh Việt Nam tại Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất ngày 17/3/2020.

Ngay sau khi nhập cảnh, bệnh nhân không có triệu chứng và được cách tại khu cách ly tập trung - Trung đoàn 10, huyện Nhà Bè. Ngày 27/3/2020, Trung tâm Y tế huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh tiến hành lấy mẫu gửi Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.

Mẫu bệnh phẩm đã được xét nghiệm và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

* Nga phát triển 3 loại thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19 

Phó Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học Nga (RAN), Viện sĩ Vladimir Chekhonin cho biết các nhà khoa học của viện đã nghiên cứu và phối hợp phát triển 3 loại thuốc có thể được sử dụng trong hỗ trợ điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19. 

Ngày 30/3, phóng viên TTXVN tại Moskva dẫn lời Viện sĩ Chekhonin cho biết ở thời điểm hiện tại, có một loại thuốc đặc biệt ở dạng hít có thể được sử dụng để hỗ trợ điều trị các bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Ông cũng đề cập đến một phác đồ điều trị “khá hiệu quả” tổng hợp thuốc kháng virus Favipiravir, được điều chế trước đây ở Nhật Bản, trong điều trị các bệnh viêm nhiễm do virus RNA, mà SARS-CoV-2 thuộc dạng này.

Theo Viện sĩ Chekhonin, cả hai loại thuốc này đều sẵn sàng để thử nghiệm.   Ngoài ra, Viện sĩ Chekhonin cũng đề cập đến loại thuốc Fortepren, được bào chế trên cơ sở thuốc Phosprenyl, nhằm điều trị viêm nhiễm do virus corona ở động vật.

Ông cho biết thuốc Phosprenyl đã được thử nghiệm cả ở người. Hiện Phosprenyl đang ở giai đoạn đăng ký, sau đó nó có thể được đưa ra thử nghiệm trên diện rộng.

* Số ca COVID-19 ở Campuchia tăng lên 107

Sáng 30/3, Bộ Y tế Campuchia xác nhận thêm 4 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên 107 người.

Ngoài ra, 2 bệnh nhân khác đã hồi phục, nâng tổng số trường hợp Covid-19 được chữa khỏi ở Campuchia lên 23 người.

Bộ trưởng Nội vụ Sar Kheng cho biết, có khoảng 40.000 lao động từ Thái Lan về nước do lệnh tạm đóng cửa biên giới Thái Lan-Campuchia từ ngày 23/3 phải tự cách ly tại nhà 14 ngày để tránh lây lan dịch bệnh.

* Mỹ ghi nhận hơn 140.000 ca mắc COVID-19

Nhà lãnh đạo Mỹ ngày 29/3 lần đầu tiên thừa nhận số ca tử vong vì nhiễm virus corona tại nước này có thể đạt mốc 100.000 người hoặc cao hơn nữa.

Tổng thống Donald Trump đưa ra nhận định trên tại buổi họp báo ngày 29/3 về tình hình dịch virus corona tại Mỹ. Ông nhấn mạnh nếu Mỹ giữ mức tử vong dưới mốc 100.000 ca là "chúng ta đã làm rất tốt rồi", theo CNN.

Trước đó, chuyên gia hàng đầu về dịch tễ học, Anthony Fauci, Giám đốc Viện Bệnh dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, đưa ra bình luận tương tự trên chương trình "State of the Union".

Ông Fauci cho biết dựa trên các mô hình dự báo thì số ca tử vong vì nhiễm virus corona tại Mỹ có nguy cơ lên đến 100.000 người hoặc cao hơn nữa.

Tổng thống Donald Trump họp báo tại Nhà Trắng ngày 29/3. Ảnh: AFP.
Tổng thống Donald Trump họp báo tại Nhà Trắng ngày 29/3. Ảnh: AFP.

Tại buổi họp báo ngày 29/3, Tổng thống Trump nói ông vừa nhận được nghiên cứu "chính xác nhất" và "toàn diện nhất" về số ca tử vong tiềm năng vì virus corona.

Ông thông báo thêm rằng số ca tử vong tại Mỹ có thể vượt 2 triệu người nếu "chúng ta không làm gì". Trước đó, bác sĩ Fauci nói Mỹ có thể ghi nhận đến hàng triệu ca nhiễm virus corona.

"Khi tôi nghe được con số vào hôm nay, và đây là lần đầu tiên tôi được nghe con số đó dù tôi đã liên tục đặt câu hỏi này cho một số người, tôi cảm thấy hài lòng hơn về những gì chúng ta đã hoàn thành trong tuần qua với 2.200 tỷ USD", Tổng thống Trump đề cập gói kích thích kinh tế được Hạ viện thông qua ngày 27/3.

"Chúng ta đang nói đến khả năng có gần 2,2 triệu người. Một số ý kiến cho rằng con số sẽ còn cao hơn thế nữa. Đó là 2,2 triệu người chết. Đến 2,2 triệu người chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh này", ông phát biểu.

Con số 2,2 triệu ca tử vong được dự báo bởi nhóm nghiên cứu Trung tâm Phối hợp Tổ chức Y tế Thế giới (WHOCC) về Mô phỏng Bệnh Truyền nhiễm, Trung tâm Phân tích Bệnh Truyền nhiễm Toàn cầu MRC (MRC GIDA), Viện Abdul Latif về Phân tích Dịch bệnh và Tình huống khẩn cấp phối hợp cùng Đại học Hoàng gia London.

Kịch bản này được cảnh báo sẽ xảy ra nếu chính phủ Mỹ không có biện pháp can thiệp virus corona lây lan trong cộng đồng.

Cũng tại buổi họp báo, Tổng thống Trump đã quyết định gia hạn các hướng dẫn trên toàn quốc về hạn chế tiếp xúc xã hội thêm 30 ngày, kéo dài đến ngày 30/4.

Trước đó, ông có đề cập khả năng khôi phục hoạt động kinh tế tại một số địa phương trước lễ Phục sinh.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Trung tâm Hệ thống khoa học và kỹ thuật (CSSE) tại Đại học Johns Hopkins, số ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở Mỹ đã vượt con số 140.000.

Tính tới đêm 29/3, Mỹ đã ghi nhận hơn 142.000 ca mắc COVID-19, với 2.479 người tử vong. Trong đó, bang New York có số ca nhiễm virus cao nhất, với 59.000 người.

* Tây Ban Nha ghi nhận số ca tử vong nhiều nhất trong một ngày

Theo thống kê của trang worldometers, tính đến 8h sáng 30/3 theo giờ Việt Nam, tổng số ca tử vong trên toàn cầu do COVID-19 đã lên đến 33.956 người.

Tổng cộng có 721.412 ca mắc COVID-19 được ghi nhận trên toàn thế giới. Mỹ hiện là quốc gia có số ca nhiễm nhiều nhất - 141.854 ca, tăng 18.276 ca so với một ngày trước đó, và 2.475 ca tử vong, trong đó bang New York hiện là tâm dịch của Mỹ với gần 60.000 ca nhiễm và 965 ca tử vong. Tiếp đó là Italy, Trung Quốc và Tây Ban Nha với số ca nhiễm lần lượt là 97.689 ca, 81.439 ca và 80.110 ca. 

Đáng chú ý, chỉ trong 24 giờ qua, Tây Ban Nha đã ghi nhận thêm 821 ca tử vong, theo đó tổng số ca tử vong do COVID-19 ở nước này lên đến 6.803 ca. Đây là số ca tử vong cao nhất ghi nhận trong một ngày ở Tây Ban Nha kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.

Tổng cục Y tế Pháp tối 29/3 xác nhận trong 24 giờ qua đã có 292 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại các bệnh viện của nước này kể từ ngày 1/3 lên 2.606 người. Trong tổng số 40.174 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 được xét nghiệm ở Pháp, có 19.354 người nhập viện. 

Trong khi đó, Chính phủ Thụy Sĩ cho biết số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Thụy Sĩ và Công quốc Liechtenstein đã tăng thêm 1.123 ca, nâng tổng số ca nhiễm lên 14.336. Tất cả các bang ở Thụy Sĩ và Công quốc Liechtenstein đều ghi nhận có trường hợp nhiễm.  

Tại Romania, kênh truyền hình Digi 24 đưa tin đã có thêm 308 ca dương tính với SARS-CoV-2, theo đó tổng số ca nhiễm ở nước này là 1.760 người, trong đó số ca tử vong đã tăng từ 4 lên 38 ca. Tại Áo, Bộ Y tế cho hay số ca nhiễm đã tăng hơn 500 người, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 8,536. Số ca tử vong đã tăng từ 18 lên 86, trong khi 479 người đã bình phục.  

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ gia hạn thực hiện "dãn cách xã hội" tới ngày 30/4 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Theo Tổng thống Trump, số ca tử vong do mắc COVID-19 tại Mỹ được dự đoán sẽ lên tới mức cao nhất trong vòng 2 tuần tới, đỉnh dịch sẽ rơi vào lễ Phục sinh 12/4. Tuy nhiên, ông bày tỏ hy vọng nước Mỹ sẽ bắt đầu phục hồi từ ngày 1/6. 

Tại Italy, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề khu vực của nước này, ông Francesco Boccia (Phran-xét-xcô Bô-xi-a) khẳng định thời hạn triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch COVID-19 chắc chắn sẽ phải kéo dài sau ngày 3/4. Theo ông Boccia, việc mở cửa trở lại các hoạt động vào thời điểm này là “không phù hợp".

Quốc hội Italy sẽ quyết định vấn đề này dựa trên kết quả nghiên cứu của Ủy ban khoa học. Liên quan đến khủng hoảng thiếu khẩu trang và thiết bị điều trị tích cực, Bộ trưởng Boccia cho biết Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Italy đã đặt mua các trang thiết bị và đồ bảo hộ y tế từ khắp nơi trên thế giới, trong đó đã đặt mua hơn 150 triệu khẩu trang từ Trung Quốc, và số giường bệnh điều trị tích cực hiện đảm bảo khoảng 9.000 giường.

Tại khu vực Trung Đông, Bộ Y tế các nước Ai Cập, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Iraq, Kuwait, Oman, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ngày 29/3 thông báo tiếp tục ghi nhận thêm nhiều trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 ở các nước này. Syria, Bolivia và Cote d'Ivoire đã ghi nhận những ca tử vong đầu tiên do COVID-19. 

Trong bối cảnh thiếu nguồn cung y tế, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi đã chỉ thị nội các nước này tìm cách thúc đẩy sản xuất nội địa các trang thiết bị y tế. Tổng thống El-Sisi cũng đề nghị tăng trợ cấp cho các nhân viên y tế, đồng thời triển khai quỹ hỗ trợ cho một số bệnh viện và trung tâm y tế để ứng phó với dịch bệnh. 

Cùng ngày, Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari (Mu-ham-ma-đu Bu-ha-ri) đã ban bố lệnh giới nghiêm hoàn toàn trong 2 tuần tại thủ đô Abuja và Lagos - thành phố lớn nhất nước này - để ngăn ngừa sự bùng phát của dịch. Trong tuyên bố được phát trên truyền hình quốc gia, Tổng thống Buhari yêu cầu người dân bắt đầu chấp hành lệnh giới nghiêm từ 23h00 ngày 29/3 (theo giờ địa phương).  

Tại Iran, truyền thông địa phương ngày 29/3 dẫn nguồn tin tư pháp cho biết quốc gia này đã phóng thích tạm thời khoảng 100.000 tù nhân khỏi các trại giam nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

* Toàn bộ nước Anh đặt trong tình trạng khẩn cấp

Theo phóng viên TTXVN tại London, chiều 29/3, Bộ trưởng Nhà ở, Cộng đồng và Chính quyền địa phương của Anh Robert Jenrick tuyên bố toàn bộ nước Anh hiện đặt trong tình trạng khẩn cấp, một điều chưa có tiền lệ trong thời bình.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Jenrick cho biết "chúng ta chưa bao giờ có lệnh này kể từ Thế chiến thứ 2," để chiến đấu chống lại virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, các trung tâm điều phối chiến lược đã được thành lập trên khắp cả nước và chính phủ Anh sẽ không dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội được áp đặt hiện nay trong vài tuần tới.

Cũng tại cuộc họp báo, quan phụ trách y tế của vùng England, bà Jenny Harries cảnh báo nguy cơ nước Anh sẽ đối mặt với làn sóng đỉnh dịch COVID-19 lần thứ hai nếu dỡ bỏ sớm những biện pháp phong tỏa, vốn được xem xét lại sau mỗi 3 tuần và cho rằng người dân Anh có thể sẽ phải thực hiện lệnh phong tỏa kéo dài tới 6 tháng.

* Thông báo khẩn tìm người trốn khỏi khu cách ly tập trung

Tối 29/3, Sở Y tế tỉnh Tây Ninh tiếp tục ra Thông báo khẩn số 1174/SYT-NV để thông tin, tìm kiếm người trốn khỏi khu cách ly tập trung tại Trường Trung học cơ sở Thành Long, xã Thành Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.

Theo đó, lúc 16h ngày 29/3, anh Nguyễn Thành Nam, sinh ngày 25/12/1992, ngụ tại thôn Bồng Mạc, xã Liên Mạc, huyện Mê Linh (Hà Nội), căn cước công dân số 001092011750 do Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cấp, đã trốn khỏi khu cách ly tập trung tại xã Thành Long, huyện Châu Thành.

Cập nhật dịch COVID-19 ngày 30/3: TP.HCM tạm ngừng thăm bệnh, ngừng hoạt động các phòng khám tư nhân

Để thực hiện đúng quy định của Ban Chỉ đạo quốc gia và đảm bảo an toàn cho cộng đồng, Sở Y tế Tây Ninh đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Tây Ninh khẩn trương chỉ đạo lực lượng Công an rà soát các khách sạn, nhà trọ để lấy thông tin về anh Nguyễn Thành Nam; Sở Giao thông Vận tải Tây Ninh thông báo thông tin về anh Nam cho các nhà xe, nếu phát hiện thông tin về anh Nam phải thông báo ngay cho Công an hoặc ngành y tế nơi gần nhất.

Sở Y tế Tây Ninh cũng đã có công văn đề nghị Sở Y tế thành phố Hà Nội thông báo cho địa phương để rà soát đưa anh Nguyễn Thành Nam vào cách ly theo quy định, nếu trở về địa phương.

Trước đó, vào lúc 20h ngày 20/3, anh Nguyễn Thành Nam nhập cảnh về Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh), đã được cơ quan chức năng địa phương đưa vào khu cách ly tập trung tại Trường Trung học cơ sở Thành Long, xã Thành Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh và được bố trí ở tại phòng B7. Đặc biệt anh Nguyễn Thành Nam chưa được xét nghiệm SARS-COV-2. 

Cũng liên quan đến hành vi trên, rạng sáng ngày 29/3, anh Lê Văn Vũ, sinh ngày 8/1/1991, ngụ tại ấp Nhà Thờ, xã Trung Bình, huyện Trần Đề (Sóc Trăng), hộ chiếu số C5099466 (chứng minh nhân số 365776146) đã trốn khỏi khu cách ly tập trung tại xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.

Đến trưa cùng ngày anh Vũ được các lực lượng chức năng vận động đưa về cách ly tại Trường Mẫu giáo Tiên Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh khi anh Vũ đón xe đến khu vực đường Lũy Bán Bích, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM.

Chiều 29/3, Thanh tra Sở Y tế Tây Ninh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Phan Văn Tiến (47 tuổi, ngụ tại quận 9, TP.HCM) 3,5 triệu đồng về hành vi trốn cách ly y tế. Trước đó, ông Tiến đã trốn tránh việc thực hiện các biện pháp cách ly phòng chống dịch COVID-19 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tỉnh Tây Ninh.

Theo trang thống kê worldometers.info tính đến 23h39 ngày 29/3 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới hiện có 702.368 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 33.178 trường hợp tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh trên toàn cầu là 149.218 người.

Trên thế giới vẫn còn tới 26.337 bệnh nhân COVID-19 đang trong tình trạng nặng.

Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 với 131.403 ca mắc và 2.329 ca tử vong do COVID-19. Thứ hai là Italy với 97.689 ca mắc và 10.779 ca tử vong. Trung Quốc tiếp tục xếp vị trí thứ 3 với 81.431 ca mắc và 3.300 ca tử vong. Đứng thứ tư là Tây Ban Nha với 78.799 ca mắc và 6.606 ca tử vong.

P.V (t/h)

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật