* Đã xác định 3 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân người Hàn Quốc
Ngày 4/4, thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, đơn vị này đã xác minh và đưa đi cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm đối với 3 trường hợp có tiếp xúc gần với một bệnh nhân người Hàn Quốc.
Theo đó, qua thông tin từ Sở Ngoại vụ TP.HCM cho biết, có một người Hàn Quốc là nhân viên của Công ty Sung Wang Vina tại Bình Dương, nhập cảnh Việt Nam từ ngày 29/1/2020 và xuất cảnh ngày 1/4/2020.
Khi trở về Hàn Quốc, người này đã xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Các cơ quan chức năng đã xác minh, trong thời gian ở Việt Nam, bệnh nhân này có tiếp xúc gần với 4 người Hàn Quốc khác, trong đó 3 người sống tại TP.HCM và 1 người sống tại tỉnh Bình Dương.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã xác minh 3 trường hợp sống tại Thành phố và đã đưa 3 gia đình các trường hợp nêu trên đi cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm để tầm soát.
Liên quan đến tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM, tính đến ngày 4/4, Thành phố xác định 53 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 22 trường hợp đã được công bố khỏi bệnh. Riêng trong ngày 4/4, tại Thành phố có 4 trường hợp được công bố khỏi bệnh.
Theo Sở Y tế TP.HCM, Thành phố cũng bắt đầu từng bước giải tỏa các khu cách ly tập trung đối với những trường hợp hết thời hạn cách ly tập trung. Trong ngày 4/4, đã có 1.059 người kết thúc cách ly và rời khỏi các khu cách ly tập trung. Hiện Thành phố đang thực hiện cách ly tập trung 7.551 trường hợp và 1.788 trường hợp cách ly tại nhà.
Nhằm nỗ lực kiểm soát tình hình dịch COVID-19, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố phối hợp với đơn vị y tế các quận, huyện kiểm tra, giám sát việc thực thi, chấp hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong cơ sở sản xuất, nhà máy, khu công nghiệp, khu lưu trú công nhân tại các doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời thực hiện kiểm tra, giám sát việc tổ chức biện pháp phòng dịch tại các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở dưỡng lão…và triển khai giám sát hành khách tại sân bay quốc nội, ga đường sắt Sài Gòn.
Ngoài ra, UBND Thành phố cũng yêu cầu Ban Quản lý các Khu Công nghiệp - Khu chế xuất, UBND các quận, huyện phối hợp cơ quan y tế kiểm tra, giám sát việc thực thi, chấp hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong cơ sở sản xuất, nhà máy, khu công nghiệp. Đặc biệt, chú trọng vào các giải pháp như: Thực hiện nghiêm đeo khẩu trang, bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư phòng chống dịch theo quy định, theo khuyến cáo của cơ quan y tế; yêu cầu người lao động khai báo y tế, tuân thủ các biện pháp hạn chế di chuyển, tiếp xúc, giao tiếp; tạm dừng các hoạt động không cấp bách, giảm mức độ tập trung người lao động. Đồng thời, tổ chức, quản lý chặt chẽ việc đưa đón người lao động (nếu có) đến nơi làm việc bảo đảm ngăn ngừa rủi ro lây nhiễm dịch bệnh.
* Số ca mắc COVID-19 tại Bồ Đào Nha vượt quá ngưỡng 10.000 người
Theo giới chức y tế Bồ Đào Nha, ngày 4/4 tổng số ca mắc dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra ở nước này đã vượt ngưỡng 10.000 người, lên tới 10.524 ca.
Riêng trong ngày 4/4, Bồ Đào Nha đã ghi nhận thêm 638 ca mới và 20 ca tử vong do COVID-19. Hiện tổng số trường hợp tử vong do COVID-19 ở nước này lên tới 600 người.
* Kuwait xác nhận ca tử vong đầu tiên do COVID-19
* Hãng thông tấn KUNA dẫn lời một người phát ngôn Bộ Y tế Kuwait cho biết, ngày 4/4, nước này đã ghi nhận ca đầu tiên tử do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra.
Quan chức trên cho hay, số người được chẩn đoán nhiễm SARS-CoV-2 đã tăng thêm 62 người trong 24 giờ đồng hồ qua, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên thành 479 người.
* Bộ trưởng Tư pháp Mỹ yêu cầu thả thêm tù nhân do dịch COVID-19
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr ngày 3/4 cho biết Cục Nhà tù liên bang (BOP) đang đối mặt với các tình huống khẩn cấp do sự lây lan nhanh chóng của COVID-19, qua đó cho phép BOP bắt đầu chuyển thêm nhiều tù nhân bị giam giữ trong tù sang quản thúc tại gia.
Bộ trưởng Barr cho biết theo sắc lệnh khẩn cấp của ông, BOP sẽ ưu tiên thả những tù nhân dễ bị tổn thương tại các nhà tù đang chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19, bao gồm các nhà tù như Oakdale ở Louisiana, Elkton ở Ohio và Danbury ở Connecticut.
* Số ca nhiễm mới trên toàn cầu cao nhất trong 24 giờ qua
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở mức cao nhất trong ngày, đưa tổng số trường hợp mắc bệnh trên toàn cầu gần 1,1 triệu người.
Theo trang web chuyên về thống kê worldometers.info, tính đến 0h15 ngày 4/4 (giờ Việt Nam), dịch COVID-19 đã lây lan tới 204 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với 1.074.253 ca nhiễm, gần 57.000 ca tử vong và 226.000 người đã được điều trị khỏi bệnh.
Mỹ đang là tâm dịch với hơn 265.000 ca nhiễm, cao hơn bất kỳ quốc gia và vùng lãnh thổ nào trên thế giới, trong khi số ca tử vong đang là hơn 6.786 người.
Tình hình dịch bệnh tại Mỹ đã khiến nền kinh tế số một thế giới mất 701.000 việc làm trong tháng Ba vừa qua sau khi nhiều nhà máy, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, dịch vụ....phải đóng cửa. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ hiện tăng lên mức 4,4%.
Trước đó, ngày 1/4, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự báo tỷ lệ thất nghiệp ở nước này trong quý II/2019 sẽ vượt 10%, cao hơn đáng kể so với dự báo hiện tại của cơ quan này là 3,5%. CBO cũng đánh giá Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý II của Mỹ sẽ giảm hơn 7%.
Trong khi đó, nếu xét về số ca tử vong, Italy tiếp tục là nước có nhiều ca tử vong nhất, với 13.951 ca, sau đó là Tây Ban Nha với 10.935 ca. Tại Anh, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock ngày 3/4 cảnh báo đỉnh dịch COVID-19 ở nước này có thể sẽ rơi vào ngày lễ Phục sinh 12/4 tới.
Trước đó một ngày, hãng Reuters đưa tin tình huống xấu nhất mà Chính phủ Anh dự báo là số trường hợp tử vong do COVID-19 có thể lên tới 50.000 người nếu người dân không tuân thủ nghiêm túc các biện pháp tự cách ly.
Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đã khiến hoạt động kinh doanh tại các nước thuộc Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng qua giảm xuống mức thấp kỷ lục trong lịch sử.
Theo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) do công ty cung cấp thông tin về thị trường IHS công bố ngày 3/4, trong tháng 3/2020, PMI của những nước thành viên Eurozone đã giảm từ mức 31,4 điểm xuống còn 29,7 điểm, thấp hơn rất nhiều so với mức 51,6 điểm của tháng trước đó, thời điểm các nền kinh tế châu Âu chưa chịu các tác động tiêu cực của dịch.
Các nước lớn nhất Eurozone ghi nhận mức suy giảm kỷ lục về hoạt động kinh doanh là Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha, trong đó 2 nước sau có mức giảm mạnh nhất. Tại khu vực Trung Đông, Iran tiếp tục là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tính đến thời điểm này, tại Iran đã ghi nhận 53.183 ca nhiễm và 3.294 ca tử vong, 4.035 trường hợp đang phải theo dõi y tế đặc biệt. Trong một nỗ lực lớn nhằm nhanh chóng xác định các ca nhiễm để xử lý kịp thời, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã khởi động một trung tâm xét nghiệm nhanh ngay trên đường phố ở thủ đô Abu Dhabi. Đây là trung tâm đầu tiên kiểu này tại vùng Vịnh.
Cơ sở này đón tiếp khoảng 600 người/ngày trong 12 giờ làm việc. Các xét nghiệm được miễn phí với người già, phụ nữ mang thai và những người có các triệu chứng bệnh COVID-19. Các đối tượng khác có thể xét nghiệm trả phí với 370 dirham (100 USD).
Dù dịch COVID-19 lan tới châu Phi muộn hơn so với các châu lục khác, nhưng Chương trình Lương thực Liên hợp quốc (WFP) cảnh báo đại dịch này đe dọa đẩy hàng trăm triệu người vào cảnh thiếu lương thực và bị đói, đặc biệt là tại châu Phi.
WFP nêu rõ tại các nước nghèo, vốn dựa vào việc xuất khẩu để trang trải cho chi phí nhập khẩu, ngay cả giới trung lưu cũng có thể cần tới các khoản viện trợ lương thực để sống sót qua cuộc khủng hoảng COVID-19. Trong khi đó, Liên minh Nghiên cứu lâm sàng COVID-19 gồm hơn 70 cơ quan khoa học cảnh báo rằng các nước nghèo cần được tiếp cận với nghiên cứu COVID-19 để tránh sụp đổ hệ thống chăm sóc y tế.
Sự lo ngại của các chuyên gia y tế không chỉ là dịch COVID-19 sẽ làm nhiều người tử vong ở các nước nghèo, mà sẽ làm nghiêm trọng thêm các vấn đề đang tồn tại như nghèo đói, cơ sở hạ tầng yếu kém và các dịch bệnh lây nhiễm khác.
Ngày 3/4 (giờ Việt Nam), Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã thông qua một nghị quyết kêu gọi hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Đây là văn bản đầu tiên của cơ quan quốc tế này về đại dịch kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát cuối năm 2019.
Dự thảo nghị quyết trên do Thụy Sĩ, Indonesia, Singapore, Na Uy, Liechtenstein và Ghana đệ trình đã nhận được sự phê chuẩn của 188 trong tổng số 193 nước thành viên. Nghị quyết cũng nhấn mạnh tới "sự cần thiết tôn trọng nhân quyền" và "không để xảy ra bất kỳ hình thức phân biệt đối xử, phân biệt chủng tộc và bài ngoại trong các ứng phó với dịch bệnh". Nghị quyết đề cao vai trò trung tâm của LHQ trong chăm sóc sức khỏe và khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Trong một phát biểu, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh đại dịch COVID-19 là cuộc khủng hoảng mang tính thách thức nhất mà thế giới đang phải đương đầu kể từ Chiến tranh thế giới II. Tuần trước, ông Guterres đã cảnh báo rằng nếu các nước không đoàn kết chống dịch thì hàng triệu người có nguy cơ thiệt mạng.
* Nghiên cứu vaccine phòng virus SARS-CoV-2 trên chuột cho kết quả khả quan
Liên quan đến nỗ lực bào chế vaccine, các nhà khoa học Mỹ cho biết những thử nghiệm ban đầu một loại vaccine phòng ngừa virus SARS-CoV-2 trên chuột đã cho kết quả khả quan.
Trong thử nghiệm này, loại vaccine nguyên mẫu - được các nhà nghiên cứu gọi là PittCoVacc - được đưa vào cơ thể chuột. Kết quả cho thấy loại vaccine này có thể kích thích một phản ứng miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2 ở những mức độ có thể ngăn chặn sự nhiễm bệnh.
Nhóm các nhà khoa học tại Trường Y thuộc Đại học Pittsburgh (Mỹ) cho biết họ đã tăng tốc phát triển loại vaccine tiềm năng này sau khi tiến hành nghiên cứu trên những chủng virus corona khác gây Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp (SARS) và Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS).
Thử nghiệm trên chuột cho thấy loại vaccine đã sản sinh ra “hàng loạt kháng thể” chống virus SARS-CoV-2 trong 2 tuần. Những thí nghiệm so sánh trên chuột với loại vaccine thử nghiệm phòng MERS cho thấy cơ thể chuột thí nghiệm sản sinh ra một lượng kháng thể vừa đủ để phòng virus trong ít nhất một năm. Nhóm nghiên cứu hy vọng bắt đầu thử nghiệm lâm sàng loại vaccine này trên người trong vài tháng tới.
Trong khi chờ đợi có một vaccine hiệu quả để phòng virus SARS-CoV-2, thế giới đang tích cực thực thi các biện pháp nhằm giảm sự lây lan của dịch. Theo thống kê của hãng thông tấn AFP (Pháp), hơn 3,9 tỷ người, tương đương 50% dân số toàn thế giới, đang thực hiện yêu cầu "ở nhà".
Các biện pháp - trong đó có bắt buộc hoặc khuyến cáo ở nhà, lệnh giới nghiêm hoặc cách ly - đã được triển khai tại hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ.