Cụ thể, theo báo Tiền phong, người bị bắt trong chiều 8/4 là bà Hương Trần Kiều Dung (SN 1978), Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chứng khoán BOS. Bà Kiều Dung bị bắt về tội “Thao túng thị trường chứng khoán".
Cùng bị khởi tố, bắt tạm giam về tội danh nêu trên còn có bị can Nguyễn Quỳnh Anh là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán BOS. Các quyết định tố tụng của cơ quan điều tra đã được Viện KSND Tối cao phê chuẩn.
Theo Zing News, bà Kiều Dung từng giữ chức Tổng giám đốc Tập đoàn FLC từ năm 2015 đến năm 2017, sau khi nắm giữ nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao tại tập đoàn cũng như tại các công ty thành viên. Đầu năm 2017, bà được bầu là Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn và kiêm nhiệm chức Tổng giám đốc từ tháng 7/2018.
Ngoài vị trí Phó chủ tịch Thường trực HĐQT Tập đoàn FLC, bà Hương Trần Kiều Dung còn là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chứng khoán BOS và Phó chủ tịch Bamboo Airways. Trước đó, bà Dung được bổ nhiệm vào nhiều vị trí quản lý cấp cao như Trưởng ban Pháp chế và Phát triển dự án, Phó tổng giám đốc rồi Tổng giám đốc.
Tháng 3/2020, bà này thôi đảm nhận chức Tổng giám đốc. Từ tháng 5/2020 đến tháng 10/2021, bà Hương Trần Kiều Dung là thành viên HĐQT Tập đoàn FLC, đồng thời giữ chức vụ tương tự tại 6 công ty khác.
Cuối năm 2021, trong thời gian giữ chức Phó chủ tịch HĐQT của FLC, bà Dung đồng thời đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT tại 7 công ty gồm: Chứng khoán BOS, Xây dựng FLC Faros, FLC Travel, Sản xuất và xuất nhập khẩu Nông sản FAM, FLC Đồ Sơn Golf & Resort, Đầu tư Phát triển và quản lý khu công nghiệp FLC, Cemaco Việt Nam.
Nữ doanh nhân sinh năm 1978 còn là thành viên HĐQT tại 2 công ty gồm FLCHomes và Công ty Quản lý khách sạn và Khu nghỉ dưỡng FLC. Người phụ nữ này cũng từng là luật sư chính của Công ty Luật TNHH SMiC - tiền thân của Tập đoàn FLC từ năm 2013.
Theo thông tin từ FLC, bà Dung là tiến sĩ Luật Quy hoạch - Xây dựng, Đại học Tổng hợp Montesquieu Bordeaux IV (Pháp) và có gần 20 năm kinh nghiệm tư vấn về quản trị doanh nghiệp, tư vấn xây dựng, triển khai dự án, đầu tư, mua bán và sáp nhập tại Việt Nam.
Trước đó, ngày 29/3 - 2/4, C01 đã ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết và 2 em gái ruột Trịnh Thị Mai Huế và Trịnh Thị Thúy Nga về tội "Thao túng thị trường chứng khoán", tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với các đối tượng liên quan, theo báo Giao thông.
Thời điểm bị bắt giữ, Trịnh Thị Thúy Nga là Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS; còn Trịnh Thị Minh Huế, là cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC.
Kết quả điều tra ban đầu đã làm rõ được nhiều sai phạm của ông Quyết và các đồng phạm liên quan đến việc "thổi giá" cổ phiếu với mục đích thu lời bất chính hàng trăm tỉ đồng.
Tổng số tiền bị can Quyết và các đồng phạm thu về sau khi bán chui cổ phiếu là gần 1.700 tỉ đồng, hưởng lợi bất chính hơn 530 tỉ đồng.
Tuy nhiên ngay sau khi xảy ra việc bán chui cổ phiếu, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã hủy giao dịch toàn bộ số cổ phiếu do ông Quyết bán ra, những nhà đầu tư đã mua số cổ phiếu này may mắn được hoàn lại tiền.
(Tổng hợp)