Ngày 7/7, Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết đã ghi nhận thêm 5 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu, nâng tổng số ca nhiễm lên 15, trong đó có 1 ca tử vong.
Tỉnh Gia Lai cũng đã lập 4 chốt kiểm soát chặn các ngả ra vào làng Bông Hiot, nơi người dân Ba Na sinh sống. Người dân có tập quán hằng ngày lên rẫy nhưng khi dịch bùng phát họ đã ở nhà. Nhân viên y tế đến cấp thuốc và hướng dẫn phòng dịch tại nhà.
Lễ tang của cháu Vung (4 tuổi) bệnh nhi tử vong vì bạch hầu diễn ra lặng lẽ, không kèn, không trống. Gia đình bao gồm 9 người là bố mẹ, họ hàng của cháu đều nhiễm bệnh và đang điều trị tại bệnh viện, còn 10 người thân khác lo liệu hậu sự cho bé. Những người hàng xóm không ai dám đến viếng thăm vì sợ lây bệnh.
Bà Mai Thị Nhung, Bí thư xã Hải Yang, cho biết bé Vung đã có triệu chứng sốt, ho, đau họng trước khi đi thăm người thân ở Kon Tum. Tuy nhiên khi điều tra dịch tễ thì chưa phát hiện được nguồn lây cho bé. Cơ quan chức năng đã lập chốt cách ly, lương thực sẽ được tiếp tế đầy đủ cho người dân bên trong làng.
Tại Đắk Nông, ngành y tế phối hợp với chính quyền các huyện Đắk R’Lấp, Đắk G’long, Krông Nô cách ly hàng trăm hộ dân để phòng chống dịch. Theo đó, 200 hộ với 600 khẩu của bon Bu N’doh thuộc xã Đắk Wer, huyện Đắk R'lấp cũng được cách ly.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đắk Nông, ông Đặng Thành cho biết, ổ dịch bắt đầu xuất hiện ngày 2/7. Ngành y tế đã cách ly, phun khử trùng và cho người dân uống kháng sinh, cấp bổ sung cho huyện Đắk R’lấp 600 liều vắc xin để tiêm phòng.
Ông Thành nhận định tình hình dịch có thể tăng thêm, các ca bệnh còn rải rác trong cộng đồng, đặc biệt mùa mưa là môi trường tốt để bệnh phát triển. CDC Đắk Nông đã khoanh vùng, khám sàng lọc để chủ động phát hiện các ca nhiễm mới. Do dịch bệnh chủ yếu xảy ra ở các nơi có người đồng bào sinh sống nên ngành y tế đã tổ chức khám tầm soát toàn bộ, kể cả các xã chưa có dịch để dự phòng.