Theo HSBC , Việt Nam là quốc gia duy nhất tại ASEAN có tăng trưởng dương năm 2020, dù tốc độ tăng trưởng có thể nói là thấp nhất trong nhiều năm. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định Việt Nam là một trong 4 nền kinh tế thế giới có GDP bình quân đầu người tăng trưởng, bên cạnh Đài Loan, Ai Cập và Trung Quốc.
Sự hồi phục tiến bộ tới từ nội lực
CEO Tim Evans của HSBC cho rằng các chỉ số của tháng 11 cho thấy Việt Nam đang trên đà phục hồi kinh tế vững chắc. Động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 tiếp tục là khu vực chế biến chế tạo và xuất khẩu, cùng với đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Điểm đáng chú ý đầu tiên là nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện được sức chống chịu vô cùng mạnh mẽ, khi WHO và các quốc gia khác đều đánh giá cao Việt Nam vì đã ứng phó thành công và hiệu quả trong việc xử lý đại dịch COVID-19.
Khu vực chế biến, chế tạo vẫn là động lực cho tăng trưởng của kinh tế Việt Nam những năm tiếp theo. Ảnh: Báo Đầu tư |
Thứ 2 là sự kiên định trong việc theo đuổi chính sách hội nhập của Chính phủ, thể hiện ở việc ký kết Biên bản kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam Anh quốc (UKVFTA) vào ngày 11/12/2020, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 8, và việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào tháng 11.
CEO HSBC cho rằng những hiệp định này sẽ giúp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và đối tác thương mại của Việt Nam, hướng đi đúng đắn giúp giảm thiểu những cú sốc đến từ rủi ro phụ thuộc vào một đối tác thương mại cụ thể. Điều thấy rõ khi dịch COVID-19 xảy ra.
"Cách Việt Nam xử lý khủng hoảng đồng nghĩa với nhiều dự báo kinh tế, rằng khi thế giới thoát khỏi khủng hoảng, Việt Nam sẽ là hình ảnh đại diện từ những điều chúng ta đã làm xuyên suốt mùa dịch. Điều này còn thể hiện qua những dự báo kinh tế khả quan cho năm tới” - CEO Tim Evans |
Điều đáng ghi nhận tiếp theo chính là sự thay đổi tự thân của các doanh nghiệp Việt Nam. Cộng đồng các doanh nghiệp đã linh động tìm mọi cách xoay xở, vượt qua những thách thức của dịch bệnh.
Theo khảo sát HSBC Navigator vừa công bố đầu tháng 12, có 68% doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát cho biết họ đã thực hiện các thay đổi nhằm đối phó với dịch bệnh. Thời gian tới, các doanh nghiệp này sẽ tiếp tục đầu tư vào các kênh bán hàng, nâng cao kỹ năng lao động, trải nghiệm khách hàng và quản lý dòng tiền.
"Bản thân tôi trong các cuộc gặp với khách hàng năm 2020 đã thấy họ cải thiện các phương thức hoạt động, tiến hành chuyển đổi số, chủ động tiếp cận ngân hàng để tìm giải pháp tối ưu hóa quản lý dòng tiền, áp dụng các giải pháp số để tối đa hóa hiệu quả hoạt động. Điều tôi muốn ghi nhận ở đây không chỉ là tăng trưởng, mà sự hồi phục của Việt Nam ghi nhận những tiến bộ tới từ nội lực", CEO Tim Evans nói.
4 rủi ro vẫn hiện diện trong quá trình tăng trưởng
CEO Tim Evan cho rằng dù đã có nhiều thông tin tích cực về vaccine, nhưng cuộc khủng hoảng COVID-19 với nên kinh tế vẫn khó dự đoán. Và dù Việt Nam là một ngôi sao sáng về tăng trưởng, cá nhân ông vẫn nhìn thấy 4 rủi ro cần lưu ý.
Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch là nhu cầu cấp thiết được khuyến cáo để phát triển bền vững. Ảnh: EVN |
Thứ nhất là câu chuyện không mới. Ông Tim Evans nói rằng Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Việc cổ phần hóa sẽ giúp xác định lại việc phân bổ vốn đầu tư, giải phóng năng suất lao động và hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thứ hai, Việt Nam hiện xếp thứ 89 trong số 137 quốc gia về chất lượng cơ sở hạ tầng. Theo World Bank, đầu tư cơ sở vật chất tính theo phần trăm GDP của Việt Nam nằm trong nhóm thấp nhất trong khu vực ASEAN. Điều này tạo ra những thách thức đối với sự phát triển liên tục của các dịch vụ hạ tầng hiện đại cần thiết cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo.
Điểm thứ ba liên quan tới đầu tư FDI, động lực phát triển của Việt Nam. Ông Tim Evan cho rằng sẽ tốt hơn rất nhiều nếu Việt Nam cải thiện được các thủ tục thuế quan và hành chính, vốn đang là yếu tố cản trở sự phát triển của khu vực này. Theo số liệu của WB, các doanh nghiệp Việt Nam phải thanh toán thuế 6 lần một năm, tiêu tốn 384 giờ cho việc hoàn thành các mẫu biểu, chuẩn bị và trả thuế. Và mức thuế phải trả chiếm tới 37,6% lợi nhuận.
Vấn đề thứ 4 là câu chuyện tăng trưởng bền vững mà nhiều nước đang phát triển đã gặp phải và Việt Nam sẽ không ngoại lệ. Đó là tăng trưởng và công nghiệp hóa nhanh, để lại nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Hiện tổng mức tiêu thụ điện đang gia tăng nhanh hơn mức tăng sản lượng điện. Trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã nổi lên là quốc gia phát thải khí nhà kính bình quân đầu người tăng nhanh nhất thế giới – với mức tăng khoảng 5% mỗi năm.
Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu. Nhu cầu cấp thiết là phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. Điều tích cực là Chính phủ đã nhận thức tầm quan trọng của vấn đề, và đang nỗ lực giảm thiểu tác động của tăng trưởng lên môi trường. Các doanh nghiệp Việt cũng chủ động tìm đường phát triển bền vững.
Triển vọng năm 2021, CEO HSBC Việt Nam cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục đà hồi phục, nhờ được hưởng lợi từ sự phục hồi của tiêu dùng trong nước, tăng trưởng thương mại ổn định và dòng vốn FDI. Với bối cảnh tiêu dùng chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, lạm phát sẽ được kiểm soát ở dưới mức bình quân 4% mà Quốc hội đề ra.
Ông cũng nói rằng các hiệp định thương mại UKVFTA, EVFTA hay RCEP sẽ tiếp tục là tiền đề vững chắc để thúc đẩy tăng trưởng cho lĩnh vực xuất khẩu, đẩy mạnh thặng dư thương mại. Với nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc và khả năng đẩy lùi dịch bệnh, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến đầu tư sáng giá trong khu vực, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử-công nghệ.
CEO HSBC Việt Nam - Tim Evans: Với nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc và khả năng đẩy lùi dịch bệnh, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến đầu tư sáng giá trong khu vực. Ảnh: HSBC |
Tuy nhiên, vẫn có những thách thức cần quan sát và theo dõi, như lộ trình phân phối vaccine COVID-19, đà hồi phục của chuỗi cung ứng toàn cầu, quá trình chuyển giao bầu cử Tổng thống Mỹ, …
Ông cũng lưu ý các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có yếu tố xuất nhập khẩu, doanh nghiệp có vay nước ngoài bằng ngoại tệ, cần chủ động sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro, đặc biệt thông qua các sản phẩm phái sinh tiền tệ, như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng hoán đổi lãi suất, … để đảm bảo sự chủ động trong hoạch định dòng tiền và cân đối lợi nhuận.
CEO Tim Evans: Chúng ta phải xem cách Việt Nam ứng phó với khủng hoảng Năm 2020 đã thay đổi tất cả. Chúng ta đã sống qua những khoảng thời gian thử thách chưa từng có. Chúng ta đã được thử thách theo những cách mà mình không bao giờ nghĩ là có thể. Chúng ta đã phải chấp nhận một thực tế về cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, dẫn đến những thách thức về kinh tế, tài chính và xã hội. Như thể điều này vẫn còn chưa đủ, các tỉnh thành của Việt Nam còn phải đối mặt với thiên tai trong những tháng cuối năm. Nhưng bất chấp những thách thức ‘có một không hai’ này, chúng ta phải xem xét cách thức mà đất nước và con người Việt Nam đã đối mặt và ứng phó với cuộc khủng hoảng. Việt Nam được đánh giá là đã xử lý cuộc khủng hoảng này tốt hơn hầu hết các quốc gia khác trên toàn cầu. Và với tư cách là một người nước ngoài sống tại Việt Nam, tôi luôn biết ơn cách các cơ quan chức năng và người Việt Nam đã bảo vệ tất cả chúng ta thoát khỏi cơn đại dịch này. |