Hơn 40.000 người được cho là tự làm hại bản thân hoặc tự tử trong tháng 8; tỉ lệ tự tử cao nhất ở thanh thiếu niên từ 11 đến 17 tuổi; trầm cảm, lo âu, rối loạn tâm thần tăng 3-5 lần so với bình thường… Những con số đáng trong khảo sát của WHO ở 130 quốc gia cho thấy sự nghiêm trọng của việc chưa quan tâm đúng mức đến chăm sóc sức khỏe tâm thần, và điều này cần phải thực hiện ngay, không thể trì hoãn.
Trong khuôn khổ nội dung Hội thảo Thắp lửa cùng tiến lên 2022 của Mạng lưới các nhà quản lý giáo dục không biên giới, được tổ chức ngày 27/3 và ngày 28/3/2022 tại Vinpearl Hạ long (Quảng Ninh), chủ đề “Sức khỏe tâm thần học đường” là một trong những chủ đề quan trọng và nhận được sự quan tâm đặc biệt.
Hội thảo 2022 lựa chọn chủ đề “Sáng tạo thích ứng nhanh” đã thu hút 200 nhà quản lý giáo dục, các nhà nghiên cứu giáo dục đến từ khắp cơ quan nghiên cứu, trường học, các mô hình giáo dục, các cấp học trên cả nước và các chuyên gia giáo dục từ nước ngoài với 2 phiên toàn thể và 4 phiên chuyên đề. PGS. TS Trần Thành Nam, Trưởng khoa - Khoa Các khoa học giáo dục thuộc Đại học giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội – một chuyên gia giàu kinh nghiệm và tâm huyết trong lĩnh vực: đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nghiệp vụ tâm lý học đường là diễn giả và cũng là người dẫn dắt phiên thảo luận về chủ đề “Sức khỏe tâm thần học đường”.
Bài trình bày tại Hội thảo là kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý học đường của PGS.TS. Trần Thành Nam trong vai trò chuyên gia phát triển và tập huấn trắc nghiệm đánh giá năng lực nhận thức WISC-IV trong tất cả các khoá đào tạo, là thành viên chủ chốt của chương trình đào tạo ThS và Tiến sỹ Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên từ năm 2009, và là người chịu trách nhiệm triển khai chương trình ThS Tham vấn học đường từ năm 2018 thuộc Khoa Các Khoa học Giáo dục.
Bối cảnh và yêu cầu giáo dục thế kỷ 21 đòi hỏi sự phát triển của trí thông minh cảm xúc
Bối cảnh thế giới VUCA và những mục tiêu phát triển giáo dục trong thời đại khoa học công nghệ 4.0, yêu cầu những kỹ năng thế kỷ 21 đối với người lao động…đã đặt ra thử thách đổi mới đối với giáo dục. Các nhà tuyển dụng chú trọng đến trí tuệ cảm xúc của người lao động, nó tác động ngược lại đến việc bổ sung mục tiêu về trí tuệ cảm xúc và phương pháp dạy – học trong nhà trường. Điều này, một mặt giúp cho giáo dục phát triển để đáp ứng yêu cầu đời sống kinh tế - xã hội, mặt khác, nó cũng vô hình tạo ra những áp lực đến sức khỏe tâm thần của học sinh và giáo viên trong trường học. Đại dịch covid không phải là nguyên nhân gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần trong trường học, nhưng khi đại dịch tràn qua trường học, “sức khỏe” của một trường học được phơi bày với những vấn đề cần giải quyết ngay, không thể trì hoãn.
Sức khỏe tâm thần: những sai lầm trong nhận thức
“Sức khỏe tâm thần học đường” là một thuật ngữ được đề cập nhiều những năm gần đây, đặc biệt trong bối cảnh các vấn nạn tâm lý học đường nghiêm trọng và đại dịch covid. Tuy vậy, cũng có những tiếp cận và cách hiểu chưa đúng về thuật ngữ này, khiến cho việc chẩn đoán và điều trị những vấn đề của sức khỏe tâm thần gặp khó khăn.
Từ “tâm thần” trong giao tiếp thường ngày được dùng để chỉ một chứng rối loạn tâm lý hay một loại bệnh. Trong trường học, khi nói đến “sức khỏe tâm thần”, không ít người nghĩ đến những trường hợp học sinh có vấn đề rối loạn tâm lý, tự kỷ, tăng động...mà không nhận ra rằng đó là vấn đề ở cả trẻ em và người trưởng thành. Không chỉ học sinh, mà cả giáo viên, nhân viên trong nhà trường đều cần quan tâm và chăm sóc “sức khỏe tâm thần”. Nhận thức sai lầm sẽ khiến cho quá trình chẩn đoán và chăm sóc không đúng, làm trầm trọng thêm các vấn đề về sức khỏe tâm thần học đường.
Học sinh, giáo viên và cả lãnh đạo trong trường học đều phải đối mặt với vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Chỉ trong 3 năm học bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19, tất cả các trường học đều bị ảnh hưởng: trường học đóng cửa, dạy học online, cắt giảm nhân sự, giảm thu nhập, bị covid, chuyển đổi quản lý từ trực tiếp sang trực tiếp… đã tác động mạnh mẽ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần của học sinh, giáo viên và ngay cả các nhà quản lý trong trường.
Chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam đã đưa đến hội thảo các dấu hiệu nhận diện của tình trạng tổn thương sức khỏe tâm thần đối với học sinh và giáo viên, nhìn từ triệu chứng và hành vi có thể quan sát được. Đôi khi chúng ta không chấp nhận hoặc phán xét các hành vi bất thường, trạng thái cô đơn, những đau khổ vật vã hoặc cố tình vi phạm các quy tắc, chuẩn mực xã hội… nhưng không hề biết rằng, đó chính là các biểu hiện của sự tổn thương sức khỏe tâm thần. Dường như, khi nhắc đến sức khỏe tâm thần, người lớn chỉ nghĩa đến học sinh là đối tượng cần quan tâm, mà quên đi rằng giáo viên và ngay cả chính Hiệu trưởng cũng là con người, họ cũng phải đối mặt với các vấn đề tương tự về sức khỏe tâm thần. Giáo viên, gồm cả các giáo viên giữ vai trò quản lý trong trường học đều phải trải qua những cảm xúc không tích cực trong công việc, như áp lực thành tích trong nhiệm vụ, không cân bằng được thời gian dành cho công việc và gia đình, không hài lòng với môi trường làm việc hoặc ức chế với các thủ tục phiền hà, thời hạn công việc quá gấp, khối lượng công việc quá tải…khiến cho họ căng thẳng, lo âu, sợ hãi, trầm cảm… Chúng ta có thể không ngờ tới, phương thức giáo dục, nội dung giáo dục cũng có thể là một nguyên nhân dẫn tới sự phát triển lệch lạc về tâm lý, vô tình gây ra những áp lực không cần thiết! Cũng có khi thói quen quá tập trung, coi trọng kiến thức, vào thành tích, khiến cho chúng ta quên mất mục tiêu thể chất, tinh thần, và không còn thời gian cho xây dựng các thói quen tốt, cho sự thấu hiểu tâm lý con người.
Một số mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần trong trường học
Là các nhà quản lý cơ sở giáo dục, các đại biểu tham gia hội thảo đã trải nghiệm những ảnh hưởng của thời đại VUCA đến trường học. Nhiều nhà quản lý giáo dục trăn trở với câu hỏi: Làm thế nào để có thể nhận diện, chẩn đoán và chăm sóc sức khỏe tâm thần trong nhà trường?
Chuyên gia Trần Thành Nam đã giới thiệu một số mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần trong trường học ở các nền giáo dục tiên tiến. Mô hình kiến tạo ngôi trường an toàn về tâm lý để đảm bảo học sinh trong trường cảm thấy an toàn, không bị tổn thương về cảm xúc và tâm lý. Mô hình y tế công cộng chú trọng đến chu trình với 4 khâu: Giám sát, Xác định các yếu tố nguy cơ và bảo vệ, Xây dựng và đánh giá can thiệp; Thực hiện. Mô hình tích hợp được kết hợp đánh giá, phân loại và xử trí dựa trên 3 tầng: xây dựng nền tảng sức khỏe tâm thần cho tất cả các đối tượng; can thiệp sớm không chuyên sâu với một số trường hợp có nguy cơ; điều trị chuyên sâu, chữa lành với số ít trường hợp có vấn đề sức khỏe tâm thần. Tiến sĩ Lê Thị Quỳnh Nga từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam giới thiệu mô hình và cách thức xây dựng trường học hạnh phúc ở một số trường tại Hoa Kỳ.
Câu chuyện về hành trình trở thành Hiệu trưởng hạnh phúc
Hiểu đúng về sức khỏe tâm thần không chỉ giúp các đại biểu nhận diện được hành vi, phân tích được nguyên nhân dẫn đến các hành vi tổn thương, mà còn là cơ sở quan trọng để các nhà quản lý đưa ra các giải pháp phù hợp ở trường học của mình. Câu chuyện của thầy Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hội Hợp B, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc thực sự truyền lửa cho các đại biểu. Xuất phát từ trăn trở, làm sao để học sinh cảm thấy vui vẻ khi đến trường, làm sao để giáo viên hạnh phúc trong công việc… thầy Mạnh đã từng bước tìm kiếm, thử nghiệm và điều chỉnh các giải pháp tại những ngôi trường mình làm hiệu trưởng. Trải qua những bước đầu gian nan, khó khăn, thầy Mạnh đã đưa nhà trường mình quản lý, điều hành trở thành ngôi trường “đáng học” top 3 của tỉnh Vĩnh Phúc. Trải nghiệm thực tế đã giúp thầy Mạnh rút ra đặc điểm của một ngôi trường hạnh phúc là nơi ở đó, mọi người được “An toàn – Tôn trọng – Yêu thương – và Có giá trị”.
Những ngọn lửa được thắp lên từ hội thảo ( ý kiến của 2 đại biểu)
Khác với các hội thảo tập trung vào các vấn đề lý thuyết, Hội thảo Thắp lửa cùng tiến lên chia sẻ mô hình thực tiễn đã thành công và chú trọng tới giá trị mà mỗi đại biểu tham dự nhận được. Mỗi đại biểu có thể tìm được bóng dáng câu chuyện của mình trong nội dung hội thảo, từ tiếp cận lý thuyết giáo dục học, lắng nghe các chia sẻ, đem đến băn khoăn để trở về áp dụng cho trường học của mình.
Trường học hạnh phúc không chỉ là khẩu hiệu to tát, mà đến từ các hành động cụ thể, thường nhật. Nhưng để xây dựng trường học hạnh phúc, cần hiểu đúng về sức khỏe tâm thần và cách chăm sóc sức khỏe tâm thần, cần sự đồng lòng của các lực lượng trong và ngoài ngành giáo dục mà đi đầu là các nhà quản lý giáo dục. Hội thảo Thắp lửa cùng tiến lên 2022 của Mạng lưới nhà quản lý giáo dục không biên giới thực sự là một hoạt động lan toả giá trị có ý nghĩa đối với sự đổi mới của giáo dục Việt Nam hiện nay.