Năm 2019, Đỗ Minh Thịnh (24 tuổi) quyết tâm về quê Lâm Đồng và cùng làm bạn với đất vườn, cỏ cây. Anh khá lo lắng vì tình trạng hiệu ứng nhà kính đáng báo động ở Đà Lạt từ việc trồng nông nghiệp trong nhà lồng. Anh đã quyết định đưa dâu Bạch Tuyết, một giống dâu được đánh giá là hiếm nhất, đắt nhất, khó chinh phục nhất và đa phần chỉ được trồng trong nhà lồng, để ra trồng ngoài trời.
“Mình từng xa nhà đi học ở TP.HCM, khi quay trở về quê để sinh sống, mình cảm nhận Đà Lạt đã nóng lên rất nhiều sau 4 năm gần đây. Là một người làm nông nghiệp và cũng là một người được sinh ra, lớn lên tại Đà Lạt thì mình cảm thấy lo lắng vì hiệu ứng nhà kính đang rất báo động”, Thịnh bày tỏ.
Đỗ Minh Thịnh. |
“Đà Lạt hồi đó là khi mình chạy xe máy ở quanh Hồ Xuân Hương dù lúc 12 giờ trưa mùa hè thì gió thổi vẫn rất mát, thậm chí Đà Lạt từng được mệnh danh là thành phố không điều hoà hay thành phố dùng chung một điều hoà, còn giờ thì nhiều nhà đã phải sắm quạt máy trong nhà để sử dụng”, Thịnh tâm tư.
Trong quá trình làm nông nghiệp của mình, Thịnh chọn canh tác ngoài trời làm chủ đạo, các cây nào thật sự cần thiết thì mới trồng trong nhà lồng. Anh cho biết nếu mỗi nhà, mỗi người nếu chung tay trồng thêm cây thì sẽ rất tốt hơn.
|
Trồng dâu Bạch Tuyết là quyết định táo bạo của Thịnh. Tính đến hiện tại giống dâu này thơm ngon, hiếm nhất thế giới và cực kỳ khó trồng.
“Bắt đầu trồng giống này thì mình cũng đã cân nhắc trồng trong nhà lồng để đảm bảo quá trình phát triển, thu hoạch được diễn ra ổn định hơn. Nhưng với tình hình hiệu ứng nhà kính đáng báo động hiện nay, nông trại đã táo bạo trồng ngoài trời. Và cuối tháng 1 năm 2020, những cây con đầu tiên được trồng tại vườn”, Thịnh kể.
Thời gian đầu Thịnh cũng gặp nhiều khó khăn để chinh phục giống dâu “khó tính” này ngoài trời. Giống này khá mong manh, rất khó trồng, cây rất dễ bị bệnh, thuộc tính của trái thì mềm nên trồng ngoài trời gặp trời mưa dễ dập. Vào mùa mưa cây hầu như không ra trái, sản lượng cũng như chất lượng đều rất thấp.
Nhưng bù lại cây dâu có đặc tính đẻ cây con vào mùa mưa nên để giải quyết vấn đề ra trái ít thì người trồng không thu hoạch trái vào mùa mưa nữa. Thay vào đó, sẽ sẽ ưu tiên dưỡng cây mẹ, nhân giống cây con và trồng cây con vào chậu để bán dâu chậu cho khách thích trồng dâu tại nhà. Đến mùa nắng lại chú trọng vào năng suất thu hoạch trái nhiều hơn.
Hiện tại là lứa thứ 2 nông trại Thịnh thu hoạch giống này, sản lượng đang không đủ cung cấp. Nhờ trồng ngoài trời nên khách cũng thích mua ở nông trại hơn, vì khi cùng điều kiện chăm sóc, dâu ngoài trời hấp thụ ánh sáng tự nhiên nhiều hơn thì vị dâu ngoài trời cũng sẽ khác.
Doanh thu bán ra của dâu này cũng khá cao, vì giá thuộc dạng đắt nhất hiện nay.Giống dâu này ở Nhật coi là 1 món quà thượng hạng. Ví dụ nếu bình ổn, thì dâu New Zealand có giá 250.000 đồng, dâu Nhật 350.000 đồng thì dâu Bạch Tuyết tầm 1 triệu đồng/kg.