Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa ký quyết định ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử. Chiến dịch bắt đầu từ tháng 7-2021 đến tháng 4-2022.
Hiện Việt Nam chỉ mới nhận tổng cộng 5,5 triệu liều từ nhiều nguồn phân phối, do đó kế hoạch tiêm chủng lớn nhất lịch sử sẽ được cập nhật theo tình hình dịch và khả năng cung ứng vaccine. Việt Nam cần tổ chức chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử trên quy mô toàn quốc với sự tham gia của nhiều lực lượng như y tế, quân đội, công an và nhiều bộ, ngành.
Chiến dịch tiêm chủng này phải được tổ chức đồng loạt tại các cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc, bao gồm cả các đơn vị y tế công lập và tư nhân, các đơn vị trong và ngoài ngành y tế.
Bộ Y tế đặt mục tiêu tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm phòng vaccine COVID-19 trong năm 2021. Hết quý I-2022, trên 70% dân số được tiêm vaccine. Đảm bảo an toàn tiêm chủng khi sử dụng vaccine phòng COVID-19.
Chiến dịch triển khai trên quy mô toàn quốc, ưu tiên cho bốn nhóm tỉnh, TP, gồm: Các tỉnh, thành đang có dịch; các tỉnh, TP thuộc vùng kinh tế trọng điểm; các tỉnh, TP có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đông công nhân và dân cư và các tỉnh, TP có biên giới, giao lưu đi lại lớn, có cửa khẩu quốc tế.
Các bệnh viện trung ương, tỉnh, TP, bệnh viện và trung tâm y tế cấp huyện tổ chức các đội cấp cứu tại đơn vị mình và hỗ trợ cho các điểm tiêm, đặc biệt là ở các vùng đi lại khó khăn, ít nhất một đội cấp cứu lưu động tại mỗi cụm 3-4 điểm tiêm chủng.
Các bệnh viện đa khoa tỉnh, TP cũng phải dự phòng một số giường bệnh hồi sức tích cực (tối thiểu năm giường/bệnh viện) để sẵn sàng xử trí các trường hợp tai biến nặng sau tiêm.