Một người ở Ba Đình, Hà Nội bất ngờ nhận được số tiền hơn 45 triệu đồng chuyển vào tài khoản ngân hàng. Sau đó một tài khoản Zalo thông báo là ông ty tài chính đã giải ngân khoản vay. Người này đã trình báo sự việc lên cơ quan công an, tuy nhiên đối tượng đã quay sang hăm dọa.
Theo nhận định từ một số chuyên gia, đây có thể là chiêu trò của các đối tượng lừa đảo. Sau khi đã có được một số thông tin cá nhân của người dùng, như tên tuổi, số điện thoại hay thậm chí là địa chỉ, các đối tượng lừa đảo sẽ cố ý "chuyển nhầm" một khoản tiền và giả danh là thu nợ. Chúng có thể yêu cầu người dùng trả lại số tiền kia như một khoản vay cùng với một khoản lãi "cắt cổ".
Đầu tháng 5, công an quận Đống Đa, Hà Nội đã bắt giữ nhóm đối tượng chuyên giả danh ngân hàng lừa đảo người chuyển khoản nhầm để chiếm đoạt tiền của họ có trong tài khoản. Những người này lập ra trang web giả mạo ngân hàng, có giao diện khá giống ngân hàng, sau đó tìm kiếm trên mạng những trường hợp khách hàng chuyển khoản nhầm. Chúng đóng giả nhân viên ngân hàng hỗ trợ khắc phục sự cố chuyển nhầm. Nhóm này gửi đường link để họ đăng nhập vào trang web giả mạo tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt thông tin và tiền trong tài khoản thật của khách hàng.
Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư Hà Nội - Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX) cho biết, theo quy định tại khoản 1 Điều 579 Bộ luật Dân sự năm 2015, người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Để tránh rơi vào những cái bẫy do kẻ gian cố tình sắp xếp, người dùng hãy liên hệ trực tiếp với ngân hàng mà bạn mở thẻ để họ chuyển trả số tiền từ tài khoản của bạn đến tài khoản đã chuyển nhầm.