Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình của Chính phủ cho biết, tổng kết, đánh giá 20 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho thấy, tổng số thuế miễn, giảm giai đoạn 2003-2010 trung bình khoảng 3.268,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn từ 2011-2016 trung bình khoảng 6.308,3 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017-2018 và dự kiến đến hết năm 2020 khoảng 7.438,5 tỷ đồng/năm.
Theo nội dung tờ trình của Chính Phủ, trong thời gian tới, việc tiếp tục thực hiện miễn thuế SDĐNN như quy định hiện hành là cần thiết để tiếp tục góp phần khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp; góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; hỗ trợ tạo thêm công ăn việc làm cho khu vực nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống người nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Quốc hội |
Do đó, lần này Chính phủ đề xuất Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết để tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết 31/12/2025. Bởi, vấn đề này không làm giảm thu ngân sách nhà nước do đây là chính sách đang được thực hiện trên thực tế và không đối kháng với bất cứ điều lệ nào với thông lệ quốc tế, cũng như quy định của các Hiệp định, tổ chức quốc tế mà Việt Nam đang tham gia.
Đáng chú ý, trong quá trình xây dựng dự án Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị rà soát lại các chính sách, các đối tượng để thực hiện mục tiêu miễn, giảm thuế SDĐNN nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, tránh sử dụng đất lãng phí, để đất đai hoang hóa.
Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương , tỉnh Quảng Bình cho rằng, chính sách miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là giải pháp có tác động rất lớn, quan trọng, góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách của Chính phủ về nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Qua đó, góp phần xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ người dân, tổ chức, cá nhân vượt qua khó khăn, có cơ hội đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Phương, chính sách này khuyến khích tập trung sử dụng đất đai để sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa, góp phần cải thiện. Từ đó, nâng cao đời sống của nhân dân, tạo việc làm, giúp người dân yên tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp, từng bước nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cũng đề nghị xem xét kỹ lưỡng công khai, minh bạch, chỉ đạo chặt chẽ trong việc quản lý thực hiện giảm thuế, đảm bảo đúng đối tượng nâng cao kết quả hiệu quả sử dụng đất, hạn chế việc bỏ hoang hóa ruộng đất, không để lợi dụng vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm tham nhũng, lãng phí..