Sáng 28/7, máy bay chở 4 bác sĩ sẽ cất cánh sang Guinea đón 219 công dân, với thiết kế chưa từng có: lắp buồng áp lực dương.
Buồng áp lực dương là sáng kiến của nhóm bác sĩ khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, phối hợp với các chuyên gia trường Đại học Bách Khoa. Nhiệm vụ của nhóm y bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, gồm 2 bác sĩ và 2 điều dưỡng, là tháp tùng đoàn công tác sang Guinea Xích Đạo đưa công dân, trong đó có 120 người dương tính với nCoV, về nước an toàn.
Điểm đặc biệt của chuyến bay này, là biết trước có hơn trăm người nhiễm nCoV, trong đó có cả bệnh nhân nặng. Do đó nguy cơ lây nhiễm nCoV trên máy bay rất cao. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để đưa họ về nước an toàn, vừa đảm bảo sức khỏe của họ, vừa đảm bảo không lây nhiễm cho những người lành khác và các thành viên đoàn công tác đi đón lẫn phi hành đoàn.
Các phương án chống lây nhiễm trên máy bay được nhóm bác sĩ tính toán đến từng chi tiết. Trong đó đặc biệt là họ nghĩ ra sáng kiến lắp buồng áp lực dương trên máy bay. Đây là điều chưa từng có trên một máy bay nào.
"Buồng áp lực dương được sáng tạo để đáp ứng nhu cầu cá nhân của phi hành đoàn và giảm thiểu lây nhiễm trong suốt chuyến bay", bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trưởng nhóm bác sĩ đến Guinea Xích Đạo, cho biết.
Ngày 27/7, máy bay đã hoàn tất việc lắp đặt 4 buồng áp lực dương. Buồng được làm từ khung nhựa, nilon và máy lọc khí, trọng lượng 7-8 kg. Thao tác tháo, lắp buồng áp lực dương đơn giản, chỉ trong 5-7 phút. Buồng hoạt động theo nguyên lý được thổi không khí từ bên ngoài vào qua một hệ thống máy lọc, giúp làm sạch không khí, cản 99% virus, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm. Hệ thống máy lọc dành cho buồng áp lực dương cũng được sáng tạo theo yêu cầu của bác sĩ.
Theo bác sĩ Hùng, trước hết họ phân máy bay đón đoàn thành 4 khu vực, lần lượt dành cho bệnh nhân dương tính, người chưa có kết quả xét nghiệm, nhân viên y tế và tổ bay. 4 buồng áp lực dương được lắp cho 4 khu này. Như vậy, tổ bay và nhân viên y tế, người không mang nCoV, có thể thực hiện các hành động có nguy cơ lây nhiễm cao, ví dụ tháo khẩu trang ra ăn.
Ngoài 4 buồng áp lực dương, nhóm bác sĩ mang theo hai máy thở, hai máy khí dung, monitor theo dõi và một số dụng cụ nội khí quản để cấp cứu khi cần thiết.
219 công dân làm việc cho các công ty Việt Nam tại Guinea Xích Đạo, chủ yếu là nam, tương đối trẻ, một số người 50-52 tuổi. Trong số 120 người dương tính với nCoV, có hai bệnh nhân nặng đến chiều nay đã tiến triển tốt hơn, hiện không cần thở oxy nữa. 11 người âm tính nCoV sức khỏe tương đối ổn định.
Dự kiến họ sẽ về đến Việt Nam ngày 29/7.