Chiều 15-6 tại buổi họp về tổ chức tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết khoảng 15.000 điểm tiêm chủng có đủ nhân lực, thiết bị sẽ được đưa lên "bản đồ" tiêm chủng và được công khai tới toàn dân về quy trình tiêm chủng, số liều vắc xin đã sử dụng, số người được tiêm chủng...
Bộ Y tế cũng cho biết sẽ có 8 kho bảo quản vắc xin do quân đội chủ trì, 1 kho đặt tại Bộ Tư lệnh thủ đô và 7 kho tại 7 quân khu. Các kho lạnh này cũng đạt tiêu chuẩn thực hành tốt bảo quản và có hệ thống xe lạnh vận chuyển vắc xin.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long quy mô của chiến dịch này lớn đòi hỏi sự tham gia của nhiều bộ ngành. Bộ Thông tin - truyền thông đóng góp phần mềm tiêm chủng nhằm điều hành tiêm chủng online, giám sát chỉ đạo tiêm chủng an toàn. Hệ thống quản trị thông qua công nghệ thông tin có mục tiêu thông báo cho người dân biết mình đến điểm tiêm chủng nào.
Ông Long cho biết quy trình tiêm đã được rà soát lại, để làm sao cắt ngắn nhưng vẫn tuân thủ đảm bảo an toàn.
"Quan điểm của Bộ Y tế là "tiêm đến đâu an toàn đến đó". Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng quốc gia sẽ làm việc trực tuyến 24/7 để có thể chỉ đạo, giám sát trực tuyến tiêm chủng an toàn. Đồng thời, chúng tôi đã chỉ đạo tăng cường tập huấn nhiều lần cho toàn tuyến hệ thống y tế, kể cả công lập và tư nhân, đặc biệt là y tế cơ sở" - bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Sở chỉ huy của chiến dịch tiêm chủng lần này đặt tại Bộ Quốc phòng, do một phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam làm chỉ huy, có sự tham gia của các Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Giao thông vận tải...
Bộ Y tế yêu cầu tiếp tục tập huấn toàn tuyến về tiêm chủng và tiêm chủng an toàn, riêng lực lượng quân đội tập huấn thêm về quy trình vận chuyển, bảo quản vắc xin...