• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyên gia cảnh báo về nguy cơ cận thị, mỏi mắt ở trẻ khi đeo nón che giọt bắn

Theo chuyên gia, việc đeo liên tục nón chắn giọt bắn khi đi học sẽ làm tăng nguy cơ cận thị,...

Học sinh đã quay trở lại trường sau thời gian dài nghỉ học, các trường học đã chuẩn bị công tác phòng chống dịch an toàn cho các em, trong đó có nhiều trường còn phát nón che giọt bắn khi đi học.

Tuy nhiên theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), học sinh mang nón che giọt bắn liên tục là không cần thiết. Bởi trong lớp học sinh ngồi theo hướng cố  định nên phương pháp này cũng không có tác dụng, thậm chí các em có thể đùa nghịch làm gãy tấm chắn và dẫn đến nhiều tình huống nguy hiểm. 

Chuyên gia cảnh báo về nguy cơ cận thị, mỏi mắt ở trẻ khi đeo nón che giọt bắn

Nón che giọt bắn chỉ phát huy hiệu quả và cần thiết trong một vài trường hợp như giao tiếp trực tiếp. Việc mang khẩu trang, rửa tay đúng cách, không đưa tay lên mắt, mũi, miệng mới là cách phòng ngừa tốt nhất. 

Không chỉ vậy việc mang nón chắn giọt bắn trong thời gian dài rất khó chịu, đổ mồ hôi, ảnh hưởng đến mắt, đặc biệt là các em đeo kính. Các em còn có thể đưa tay chạm vào mắt, mũi, miệng là hành động cần tránh để phòng ngừa lây nhiễm virus.

Bác sĩ Tăng Hồng Châu, Giám đốc Bệnh viện Mắt Sài Gòn bày tỏ sự lo ngại chất lượng của miếng nhựa plastic trên tấm chắn, vì nó vốn không hoàn toàn trong suốt, nếu đeo liên tục có thể giảm thị lực. Khi học sinh đeo dụng cụ này trong thời gian dài, mắt có thể luôn trong tình trạng căng thẳng do phải điều tiết nhiều, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến bộ phận này.

Miếng plastic này còn có chỗ thẳng, chỗ cong nên có thể làm biến dạng hình ảnh, gây nhiễu do không truyền ánh sáng tự nhiên theo đường thẳng, dễ gây mỏi mắt. 

Bác sĩ Khanh cho biết có nhiều trẻ cũng cảm thấy khó chịu khi phải đeo khẩu trang trong lớp, nhiều em còn phải bỏ khẩu trang ra để thở. Vì vậy theo ông nên dạy cho trẻ cách làm quen dần. 

Bình thường, một người đeo khẩu trang trong 30 phút sẽ khó thở, tuy nhiên nếu hít sâu, thở chậm sẽ điều hòa nhịp thở dễ dàng hơn. Vì vậy, nhân viên y tế có thể mang khẩu trang liên tục nhiều giờ cũng không vấn đề gì. Bác sĩ Khanh cho rằng phụ huynh và giáo viên nên dạy cho trẻ biết tầm quan trọng của khẩu trang, khi các em khó chịu cần tập hít sâu, thở từ từ, không đưa tay lên mắt, mũi miệng. 

BSCKII Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết trong thời gian trẻ trở lại trường, nhà trường và phụ huynh cần lưu ý một số điểm để đảm bảo an toàn cho học sinh. Những hành động thiết thực, khoa học của từng gia đình là yếu tố quan trọng để các con đến trường học an toàn.

Đầu tiên là vấn đề vệ sinh lớp học, bàn ghế, tay nắm cửa, tay vịn, dụng cụ học tập... đảm bảo cửa sổ thoáng khí, đầy đủ ánh sáng mặt trời.

Bố trí rửa tay, thùng rác thuận tiện, quy định người được ra vào trong điều kiện có dịch, hướng dẫn các em học cách tự phòng ngừa vệ sinh cá nhân như rửa tay, không khạc nhổ, không xả rác bừa bãi...

Cần có người kiểm tra, nắm tình hình sức khỏe của các em, đo thân nhiệt.... nếu có bất thường cần thông báo cho phụ huynh để đưa trẻ đến cơ sở y tế khám bệnh. 

Nên có các ứng dụng công nghệ thông tin như học bạ điện tử, sổ liên lạc điện tử, các diễn đàn giáo dục, nhóm chat... để hướng dẫn cụ thể phụ huynh, học sinh về việc giữ vệ sinh. Các trường cũng nên thăm dò ý kiến của phụ huynh, học sinh để áp dụng các giải pháp cụ thể và nhận được sự đồng thuận.

Đội ngũ y tế học đường nên kiểm tra thân nhiệt trẻ giờ nghỉ trưa, điều tra các trường hợp nghi ngờ về lịch trình đi lại của trẻ và phụ huynh để thông báo với cấp trên và cơ sở y tế có thẩm quyền. Ngoài ra, các thầy, cô giáo khi bị bệnh cảm cúm hay cảm thấy không được khỏe phải ở nhà.

Cha mẹ cần quan sát kỹ con mình, nếu đang có bệnh không nên đưa trẻ đến trường, hướng dẫn trẻ các biện pháp vệ sinh, rửa tay đúng thời điểm, đúng cách... Trước khi đi học, cha mẹ kiểm tra thân nhiệt cho con, nếu có vấn đề về sức khỏe cần thông báo cho nhà trường và xin tư vấn của bác sĩ. 

Cha mẹ nên chú ý đưa trẻ đi tiêm chủng theo lịch, đặc biệt chủng ngừa vắc xin cúm mùa. Giữ ấm trẻ, tránh nằm phòng máy lạnh nhiệt độ thấp (dưới 25 độ C).

Thanh Mai

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật