Trong hơn nửa đầu năm 2022, giá xăng trong nước tăng tổng cộng 13 lần và chỉ trong 2 tháng, mặt hàng này có tới 5 lần lập đỉnh liên tiếp. Các loại thuế phí vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong việc cấu thành giá xăng.
Giá xăng RON 95 phải "gánh" 4 loại thuế gồm thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, VAT 10% theo giá bán và thuế bảo vệ môi trường giảm 50% còn 2.000 đồng/lít. Mỗi lít xăng cũng phải cộng thêm chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức (300 đồng/lít), mức trích lập quỹ bình ổn (300 đồng/lít) và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, cho rằng cần phải tính toán các biện pháp cao hơn như giảm 10-30% các loại thuế phí cấu thành vào giá xăng.
Ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp vận tải đang rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn bởi tác động từ giá xăng dầu. Chính phủ và các bộ ngành cần mạnh dạn miễn, ngừng thay vì giảm, hoãn, đồng thời xem xét lại thuế tiêu thụ đặc biệt. Ông Liên đặt câu hỏi, xăng là mặt hàng rất thiết yếu tại sao lại đưa vào danh sách không khuyến khích sử dụng?
Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành phân tích, việc tính toán mức giảm các loại thuế, phí có mấy vế cần lưu ý trong giai đoạn có những cú sốc thì việc hỗ trợ là có thời hạn, không quá kéo dài dù có thể cần ít nhiều sự linh hoạt.
Thứ hai là hỗ trợ cần phải hướng tới bảo đảm bền vững ngân sách trong bối cảnh vẫn cần dành nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Để hạn chế được tác động tiêu cực của việc leo thang giá cả cũng như giá xăng dầu, phải có những can thiệp điều chỉnh dưới góc độ chính sách để kiềm chế giá xăng dầu cũng như lạm phát leo thang.
Theo TS Võ Trí Thành, nguy cơ giá xăng dầu neo ở mức cao, tiếp tục tăng vẫn còn. Áp lực lạm phát của Việt Nam còn lớn, cho nên cúng ta cần hạ nhiệt giá xăng dầu và tình toán việc cân đối ngân sách, tác động lạm phát để có mức giảm phù hợp.