Trao đổi với Zing, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương (Hà Nội), cho biết một số trường hợp tồn tại virus ở cơ thể suốt đời nhưng không gây ra bất cứ trở ngại nào trong cuộc sống. Trong các đợt dịch trước đây, chúng ta coi tất cả người nhiễm SARS-CoV-2 là bệnh nhân và đưa vào bệnh viện điều trị nhưng sau 1 năm với kinh nghiệm điều trị, các bác sĩ nhận ra rằng nhiều trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 nhưng không chuyển sang mức độ bệnh lý, do đó, họ không cần điều trị đặc biệt.
“Trong số người nhiễm SARS-CoV-2 (có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp rRT-PCR dương tính với virus), không phải tất cả đều xuất hiện triệu chứng của bệnh. Nhiều trường hợp không chuyển sang mức độ bệnh lý, do đó, họ không cần điều trị đặc biệt hay chăm sóc y tế. Một số người chỉ cần bổ sung vitamin, đủ nước và theo dõi sức khỏe”, PGS Nhung nói.
Theo thống kê của Bộ Y tế có 60% trường hợp không xuất hiện triệu chứng của bệnh. Khoảng gần 20% trường hợp có triệu chứng của Covid-19 nhưng ở mức độ rất nhẹ. Tổng 2 nhóm này chiếm 84% số lượng người nhiễm nCoV tại Việt Nam. Số còn lại (khoảng 16%) là trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 diễn biến ở mức độ trung bình, nặng và nguy kịch buộc phải điều trị theo dõi tại bệnh viện.
Bộ Y tế đã đưa ra hướng dẫn trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân Covid-19 với 5 mức độ: Người không triệu chứng, người có triệu chứng nhẹ, người có triệu chứng trung bình, người diễn biến nặng và các trường hợp nguy kịch.
“Đã là bệnh nhân, họ phải được đưa vào bệnh viện để điều trị. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nếu chúng ta coi tất cả người nhiễm virus nhưng không có hoặc chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ là bệnh nhân và đưa họ vào bệnh viện, hệ thống y tế sẽ không thể đáp ứng đủ”, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho hay.
Những trường hợp trên không cần sự chăm sóc đặc hiệu hay can thiệp y tế mà cần đảm bảo vấn đề dinh dưỡng, tập luyện, nghỉ ngơi và theo dõi phát hiện các diễn biến nặng. Ngành y tế sẽ cần có hướng dẫn cụ thể cho người dân, tối ưu nhất là đảm bảo máy đo bão hòa oxy cho từng trường hợp.
Ông Nhung nhấn mạnh: “Việc đề phòng biến chứng với những trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 không có hoặc xuất hiệu triệu chứng nhẹ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Chúng ta phải theo dõi sát được tình trạng sức khỏe của họ, phát hiện kịp thời nhóm người thuộc 16% diễn biến trung bình trở lên, qua đó đưa họ tới bệnh viện. Đây mới là những bệnh nhân Covid-19”.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), bổ sung mục tiêu chủ yếu với nhóm người này là giữ, không để họ lây lan virus ra cộng đồng.
“Khi không có triệu chứng, những người nhiễm SARS-CoV-2 cũng không có nhu cầu điều trị hay can thiệp y tế. Do đó, chúng ta không thể coi họ là bệnh nhân Covid-19. Họ cần được cách ly khỏi cộng đồng để tránh việc virus lây cho người khác. Nếu đảm bảo được mục tiêu này, theo dõi sát tình trạng sức khỏe, những trường hợp này cũng không cần quá lo lắng”, bác sĩ Khanh nói.
Theo PGS Nguyễn Viết Nhung, dựa trên khái niệm này, ngành y tế cần phân biệt rõ và có những tính toán để xử trí phù hợp cho từng tình huống. Tuy nhiên, nêu theo dõi tại nhà, họ phải đảm bảo ở phòng riêng, có người theo dõi, giám sát đầy đủ.
PGS Nhung giải thích: “Người theo dõi có thể là người nhà, nhân viên y tế hoặc thành viên tổ Covid-19 cộng đồng - đây cũng là phương án tốt nhất. Những người này sẽ kết nối với bệnh viện, bác sĩ để khi cần, họ có thể đưa F0 tới điều trị kịp thời, tránh xảy ra tình huống đáng tiếc”.
Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cũng nhấn mạnh các trường hợp không có triệu chứng của Covid-19 nhưng mang bệnh lý nền nặng là những nguy cơ lớn mà ngành y tế cần đặc biệt lưu ý. Chúng ta cần phân loại rõ từng đối tượng, nhóm nguy cơ để đưa ra biện pháp phù hợp, hiệu quả và an toàn nhất.