Mới đây, Tổ chức giáo dục Varkey Foundation đã công bố danh sách 50 giáo viên toàn cầu được lựa chọn từ 10.000 ứng viên. Đại diện duy nhất của Việt Nam là cô giáo Hà Ánh Phượng - giáo viên trường THPT Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ đã lọt vào danh sách này.
Được biết đây giải thưởng dành cho những nhà giáo đóng góp lớn vì sự nghiệp giáo dục.
Hồi nhỏ, cô giáo Hà Ánh Phương từng xem một bộ phim kể về giáo viên đến từng gia đình ở dọc đường núi để thuyết phục họ cho con đến trường và cô đã nhận ra rằng nghề giáo chính là nghề thay đổi cuộc sống của rất nhiều người.
Cô giáo Hà Ánh Phượng. |
Sinh ra ở vùng miền núi không có nhiều điều kiện tiếp cận với môn tiếng Anh mà phải cho đến khi học tại trường dân tộc nội trú huyện Yên Lập, cô giáo Hà Ánh Phượng mới có cơ hội tìm hiểu và theo đuổi môn học này.
Có cơ hội được đi du học tại nước ngoài, nhưng Phượng đã quyết định ở lại và theo học tại Trường ĐH Hà Nội. Sau khi nhận bằng thạc sĩ ngành Tiếng Anh, Ánh Phượng nhận ra trở thành giáo viên là cách tốt nhất để giúp đỡ mọi người cải thiện cuộc sống. Vì vậy, cô quyết định trở về quê nhà.
Trong nhiều năm qua, bằng sự nỗ lực, quyết tâm của bản thân và sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, cô giáo Hà Ánh Phượng đã đưa học sinh của mình tham gia vào các tiết học xuyên biên giới, giúp các em học sinh được tiếp cận với các nền giáo dục tiên tiên trên thế giới.
Trong bức thư chúc mừng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đây không chỉ là niềm vui, niềm tự hào của cá nhân cô giáo Hà Ánh Phượng, của ngành giáo dục tỉnh Phú Thọ, mà còn là niềm vui, niềm tự hào của ngành giáo dục cả nước. Cô giáo Hà Ánh Phượng sẽ là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần rất lớn cho học sinh, giáo viên trên khắp cả nước.
"Tôi mong rằng, từ thành quả hôm nay, cô giáo Hà Ánh Phượng sẽ tiếp tục cố gắng, nỗ lực hơn nữa để cùng trường THPT Hương Cần nói riêng, toàn ngành giáo dục nói chung thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nước nhà", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tại quê hương của cô, rất nhiều người không đi học vì điều kiện khó khăn cũng như xa xôi, trắc trở, như trường THPT Hương Cần có đến 90% học sinh là người dân tộc thiểu số, tuổi từ 15 đến 18, các em đi học cũng khá vất vả.
Hơn hết để ôn luyện môn Tiếng Anh cũng không phải dễ dàng gì. Điều này khiến các em hay rụt rè, ít hiểu biết về văn hóa đa quốc gia và ngại học môn Tiếng Anh.
Chứng kiến những khó khăn đó, cô Hà Ánh Phượng đã cố gắng giúp các em học tập tốt hơn nhờ việc áp dụng mô hình lớp học không biên giới, kết nối với các trường nước ngoài thông qua Skype.
Nhờ vào sự dạy dỗ của cô Phượng cũng như sự nỗ lực cả các em, năm vừa qua, tất cả học sinh của cô đều có kết quả học tập cao.
Hà Ánh Phượng hiện dạy online cho học sinh từ 4 lục địa là châu Phi, châu Âu, châu Á, châu Mỹ và được mệnh danh là "giáo viên 4.0". Không chỉ vậy cô còn là thành viên tích cực của cộng đồng giáo dục Microsoft - nơi quy tụ giáo viên toàn cầu cùng thiết kế bài giảng và tham gia phát triển chuyên môn hàng tuần. Năm 2019, cô Phượng được trao giải thưởng Giáo viên Sáng tạo của ngành giáo dục.
“Tôi dự định sẽ phát triển một kênh Youtube chuyên dạy tiếng Anh miễn phí và chia sẻ các hoạt động phát triển chuyên môn cho cộng đồng trong thời gian sắp tới. Đồng thời, tích cực cho ra đời nhiều dự án liên quan đến dạy học vì mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (teaching SDGs). Nhưng, dẫu có là TOP 50 giáo viên toàn cầu thì tôi vẫn là một cô giáo miền núi đơn giản và thân thiện để mang lại những giá trị cho cộng đồng thôi” – cô Phượng chia sẻ.
Cô Phượng cũng cho biết nếu đoạt giải thưởng giáo viên toàn cầu sẽ hỗ trợ tài chính các dự án phát triển trường và quyên góp xây dựng phòng vi tính tại Trường TPHT Hương Cần giúp các em có cơ hội tiếp cận tri thức toàn cầu.
Cô Phượng cũng dự định tạo ứng dụng học tiếng Anh miễn phí để người học có thể dễ dàng truy cập.