• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Con đường để VNPay đạt giá trị tỷ USD, trở thành kỳ lân công nghệ thứ 2 của Việt Nam

Công ty mẹ của VNPay là VNLife nhận khoản đầu tư 196 triệu USD, tương đương 4.600 tỷ đồng...

Báo cáo kinh tế số thường niên e-Conomy SEA 2020, được thực hiện bởi Google và Temasek (Singapore) đã thừa nhận Công ty cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam ( VNPay ) chính thức trở thành kỳ lân công nghệ thứ 2 tại Việt Nam, sau Tập đoàn VNG. 

 VNPay cũng là kỳ lân công nghệ thứ 12 tại Đông Nam Á. 11 kỳ lân công nghệ của được công nhận trước VNPay là Bigo, Bukalapak, Gojek, Grab, Lazada, Razer, OVO, Sea Group, Traveloka, Tokopedia và VNG. Trong số này, chỉ có Grab và GoJek được gọi là “siêu kỳ lân”, khi được định giá trên 10 tỷ USD.

VNPay là ai?

VNPay thành lập năm 2007, hoạt động chính trong lĩnh vực thanh toán điện tử với ngành kinh doanh cốt lõi là tài chính – ngân hàng. Tháng 10/2015, VNPay được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

VNPay cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử cho nhiều ngân hàng lớn và doanh nghiệp, có khoảng 15 triệu người dùng mỗi tháng. Ảnh: Internet
VNPay cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử cho nhiều ngân hàng lớn và doanh nghiệp, có khoảng 15 triệu người dùng mỗi tháng. Ảnh: Internet

Kỳ lân công nghệ thứ 2 của Việt Nam được biết đến là công ty đi đầu trong việc cung cấp các giải pháp thanh toán trên nền Internet. Sản phẩm nổi bật nhất của công ty này là giải pháp thanh toán QR Code trên các ứng dụng Mobile Banking của các ngân hàng.

Hiện nay, VNPay đang cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử cho hơn 40 ngân hàng, bao gồm những ngân hàng lớn nhất như Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV.

Công ty này cũng cung cấp giải pháp thanh toán cho 5 công ty viễn thông và hơn 20.000 doanh nghiệp, với các dịch vụ tiêu biểu như mobile banking, cổng thanh toán VNPay-QR, website thương mại điện tử Vban.vn, ví điện tử VnMart, thanh toán hoá đơn VnPayBill, đặt vé máy bay VnTicket, nạp tiền điện thoại VnTopup… thu hút khoảng 15 triệu người dùng hàng tháng.

Thực tế, VNPay cũng từng đi đúng con đường của VNG, khi thử sức ở lĩnh vực phát hành game. Công ty này đã thành lập đơn vị chuyên trách có tên gọi VNPay Online (sau đó đổi tên thành VIGO) để vận hành các sản phẩm game online được  phát hành ở Việt Nam.

Sản phẩm đầu tay của VNPay Online là Huyền Thoại Anh Hùng, phát hành tháng 10/2013, nhưng thành công nhất với Kiếm Tung, webgame 3D cũng thời điểm 2013-2014.

Sản phẩm cuối cùng mà VIGO phát hành trước khi đóng cửa năm 2015 là Chiến Binh Định Mệnh.

VNPay có đáng giá tỷ USD?

Tại thời điểm tháng 8/2018, VNPay có vốn điều lệ 150 tỷ đồng. Công ty này có 3 cổ đông sáng lập, là Chủ tịch HĐQT Trần Trí Mạnh, nắm 28,15% vốn. Tổng Giám đốc Lê Tánh sở hữu 5% và ông Trần Văn Kỳ nắm 21,67% vốn. Phần sở hữu còn lại khoảng 45% không được công bố.

SoftBank là một trong 2 cổ đông ngoại đang sở hữu gần 20% cổ phần tại VNLife, công ty mẹ của VNPay. 
SoftBank là một trong 2 cổ đông ngoại đang sở hữu gần 20% cổ phần tại VNLife, công ty mẹ của VNPay. 

Đến ngày 20/7/2020, VNPay nâng vốn điều lệ lên gấp gần 7 lần, ở mức 1.000 tỷ đồng. Con số này còn cách rất xa để trở thành doanh nghiệp kỳ lân .

VNPay được cho là đạt số vốn tỷ đô sau vòng gọi vốn từ Softbank Vision Fund và quỹ đầu tư nhà nước Singapore (GIC) năm 2019.

Tháng 7/2019, nhiều thông tin cho biết 2 quỹ đầu tư GIC và SoftBank mong muốn rót 300 triệu USD - tương đương 7.000 tỷ đồng, vào VNPay. Tuy nhiên, trong báo cáo thường niên năm 2020, SoftBank ghi nhận khoản đầu tư vào doanh nghiệp trong lĩnh vực fintech có tên gọi là “VNLife Corporation Joint Stock Company", không phải VNPay.

Báo cáo tài chính của VNLife thể hiện doanh nghiệp có nhận đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng, tương đương 196 triệu USD trong năm 2019, không phải là con số 300 triệu USD.

Đáng chú ý là Chủ tịch Trần Trí Mạnh của VNPay chính là Chủ tịch HĐQT của VNLife - Công ty cổ phần Tập đoàn cuộc sống Việt. Đây là công ty holding, được thành lập cuối năm 2018, với vốn điều lệ 150 tỷ đồng, nhằm mục đích sở hữu toàn bộ cổ phần VNPay.

VNLife gồm 4 cổ đông sáng lập, là Chủ tịch Trần Trí Mạnh nắm 28,14% vốn; ông Lê Tánh –cũng là Tổng giám đốc VNPay, nắm khoảng 5% vốn điều lệ; ông Trần Văn Kỳ sở hữu 21,67% vốn. 45,19% vốn còn lại thuộc sở hữu của ông Mai Thanh Bình.

Ông Mai Thanh Bình sinh năm 1981, là cổ đông sáng lập một loạt công ty như CTCP Phát triển Thể thao Điện tử Việt Nam (nay là AirPay), CTCP Giải trí và Thể thao Điện tử Việt Nam (Garena Việt Nam).

Năm 2019, VNLife tăng vốn lên 217,7 tỷ đồng.  Đến tháng 8/2019, cơ cấu cổ đông của VNLife xuất hiện 2 cái tên nước ngoài, là Ardolis Investment Pte Ltd – đại diện quỹ GIC, nắm 13,24% cổ phần. Cổ đông ngoại còn lại là SVF Pioneer Subco Pte Ltd – đại diện SoftBank, sở hữu 19,62% cổ phần.

Thị trường vẫn còn mơ hồ khi VNPay được định giá tỷ đô, trở thành kỳ lân công nghệ. Ảnh: VNPay
Thị trường vẫn còn mơ hồ khi VNPay được định giá tỷ đô, trở thành kỳ lân công nghệ. Ảnh: VNPay

Như vậy, hiện cổ đông trong nước đang sở hữu khoảng 67% và 2 quỹ ngoại nắm khoảng 33% cổ phần của VNLife. Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của VNLife đạt 4.717 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 4.710 tỉ đồng.

Một điều khiến giới đầu tư nghi ngờ, là với khoản đầu tư 196 triệu USD đổi lấy 33% cổ phần của 2 cổ đông nước ngoài, thì phần sở hữu còn lại 67% chỉ tương đương hơn 430 triệu USD, tức định giá của VNLife chưa tới 700 triệu USD, cách khá xa so với mốc 1 tỷ USD để trở thành kỳ lân.

Và đáng lưu ý là e-Conomy SEA 2020 gọi tên VNPay là kỳ lân sau VNG, chứ không phải VNLife. 

VNLife cũng đang sở hữu Công ty cổ phần Công nghệ Teko. Đây là công ty đóng vai trò như một quỹ đầu tư. Teko công bố danh mục đầu tư của mình gồm Phong Vũ Computer, Tripi, Jupviec, POS365, VNPAY…  

Cuộc chiến đốt tiền  

Các chuyên gia ước tính, tổng giá trị giao dịch của các nền kinh tế số Đông Nam Á trong năm 2020 có thể đạt 155 tỷ USD (dự báo trước dịch COVID-19). Việt Nam được cho là thị trường cạnh tranh gay gắt khi có đến 37 nhà cung cấp dịch vụ công nghệ tài chính đã được cấp phép hoạt động, trong đó có 34 nhà cung cấp ví điện tử. Các nhà cung cấp ví điện tử vẫn đang trong cuộc đua "đốt tiền" qua các hình thức khuyến mãi khác nhau, để thu hút cả người dùng và người bán hàng.

Riêng VNPay là đơn vị hiếm hoi hoạt động ở lĩnh vực thanh toán báo lãi. Năm 2019, VNPay ghi nhận doanh thu thuần đạt 12.364 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với với năm 2018. Tuy nhiên, các khoản chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng nhanh nên lãi lại giảm mạnh, chỉ còn bằng 1/3 năm 2018, ở mức hơn 45 tỷ đồng.

Trong khi đó, năm 2017, lợi nhuận trước thuế của VNPay đạt 125 tỷ đồng và 2018 lên tới 194 tỷ đồng.

Thị trường Việt Nam khá chật chội và cạnh tranh gay gắt khi có hàng chục nhà cung cấp dịch vụ công nghệ tài chính được cấp phép hoạt động. Ảnh: Internet
Thị trường Việt Nam khá chật chội và cạnh tranh gay gắt khi có hàng chục nhà cung cấp dịch vụ công nghệ tài chính được cấp phép hoạt động. Ảnh: Internet

Còn VNLife, dù chưa phát sinh doanh thu, song vẫn ghi nhận lãi thuần năm 2019 đạt 19,7 ty đồng. Riêng năm 2018, VNLife báo lỗ 1,5 tỷ đồng.

Riêng các ví điện tử khác như Zalopay, Momo, Moca vẫn đang chật vật. Năm 2019, Momo có doanh thu 4.233 tỷ đồng, nhưng lỗ đến 854 tỷ đồng. Zalopay đạt doanh thu 85 tỷ đồng nhưng lỗ 390 tỷ đồng. Hay Moca của Grab có doanh thu 191 tỷ nhưng lỗ 147 tỷ đồng. Payoo lãi lớn nhất, đạt 75 tỷ đồng trên doanh thu đạt 3.328 tỷ đồng, AIRPay lãi 20 tỷ trên doanh thu 3.087 tỷ đồng...

Chia sẻ tại tọa đàm trong khuôn khổ Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2020 - Vietnam Venture Summit 2020 ngày 25/11/2020, với chủ đề "Going Digital - Dịch chuyển số", ông Ôn Như Bình, Giám đốc Chiến lược kinh doanh VNLife, cho rằng thành công đến từ những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, đó là việc sẵn sàng đầu tư. Công ty có những chiến lược đầu tư dài hạn và ngắn hạn một cách rõ ràng, uyển chuyển.

Đồng thời, doanh nghiệp có lợi thế về công nghệ nên đã tập trung đầu tư rất lớn vào công nghệ, con người. Đây là điều khiến VNPay có thể trở thành công ty fintech hàng đầu Việt Nam.

 Ông Bình nói VNLife theo mô hình khá đặc biệt: Cung cấp các giải pháp và hạ tầng công nghệ, đầu tư xây dựng lên, sau đó để các công ty khác ở Việt Nam, cả startup cũng có thể tạo ra những dịch vụ/sản phẩm mới dựa trên nền tảng công nghệ đó.

Kỳ lân là startup có định giá tối thiểu 1 tỷ USD trở lên. Năm 2014, trong báo cáo của World Startup Report, Công ty cổ phần VNG trở thành kỳ lân công nghệ đầu tiên của Việt Nam. VNG hoạt động trong lĩnh vực Internet, dựa trên nền tảng công nghệ cung cấp dịch vụ tới người dùng đầu cuối, hiện được định giá khoảng 1,7 tỷ USD.

HÀ LINH

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật