Tính từ 6h đến 18h ngày 6/4, cả nước có thêm 11 ca mắc mới, đều là các ca được cách ly ngay sau nhập cảnh.
Cụ thể, Long An có 1 ca, Cà Mau có 3 ca, Đà Nẵng có 2 ca và Tây Ninh có 5 ca.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, hôm nay có 6 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Như vậy, đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 2.422 trong tổng số 2.648 bệnh nhân COVID-19.
Đà Nẵng dự kiến tiêm vaccine COVID-19 cho hơn 46.000 người
UBND thành phố Đà Nẵng vừa có quyết định về việc phê duyệt kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2022. Kế hoạch sẽ được cập nhật theo tình hình dịch COVID-19 và khả năng cung ứng vaccine.
Theo kế hoạch, thành phố đặt mục tiêu là 95% đối tượng có nguy cơ sẽ được tiêm đủ vaccine phòng COVID-19 theo từng đợt phân bổ.
Các nhóm đối tượng cần tiêm vaccine phòng COVID-19 được sắp xếp mức độ ưu tiên theo tình hình dịch, và trong bối cảnh nguồn vaccine cung cấp hạn chế tại Việt Nam.
Đó là là lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch; quân đội, công an; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; người cung cấp dịch vụ thiết yếu (hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước...); giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người sinh sống tại các vùng có dịch; người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội; người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài...
Căn cứ khả năng cung ứng vaccine của Bộ Y tế, dự kiến tại Đà Nẵng trong đợt 1 sẽ có 46.321 người được tiêm vaccine (lực lượng tuyến đầu chống dịch) vào quý II và quý III/2021. Các đợt tiêm chủng tiếp theo sẽ được triển khai căn cứ theo tiến độ cung ứng vaccine thực tế và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 18h chiều 6/4 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 132,504 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó có 2,876 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi là 106,836 triệu người. Số ca mắc cần điều trị tích cực là 98.528 ca.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất vì COVID-19 là Mỹ với 31,496 triệu ca nhiễm và 569.282 ca tử vong. Xếp thứ hai là Brazil với 13,023 triệu ca nhiễm và 333.153 ca tử vong. Tiếp theo là Ấn Độ với 12,686 triệu ca nhiễm và 165.577 ca tử vong.
Phát hiện biến thể SARS-CoV-2 mang đột biến kép ở Mỹ
Theo Foxnews, thông qua giải trình tự gien, Phòng thí nghiệm Virus Lâm sàng Stanford đã xác nhận thông tin về ca mắc biến thể mới xuất hiện này. Biến thể có nguồn gốc từ Ấn Độ. Ít nhất có 7 ca có thể đã mắc biến thể Ấn Độ này.
Biến thể được gọi là “đột biến kép” vì nó có hai đột biến giúp virus bám vào các tế bào người. Tiến sĩ Ben Pinsky, Giám đốc Phòng thí nghiệm Virus Lâm sàng Stanford, nói: “Nếu đi chung thang máy với ai đó nhiễm biến thể này, bạn có khả năng nhiễm biến thể đó cao hơn”.
Tiến sĩ Peter Chin-Hong, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, cho rằng biến thể này có thể lây lan mạnh hơn vì nó gây ra hơn 20% ca mắc ở bang Maharashtra ở Ấn Độ. Các ca bệnh ở bang này đã tăng 50% chỉ trong tuần trước.
Ngoài ra, xét về góc độ sinh học, biến thể mới sẽ dễ lây hơn vì có hai đột biến, nhưng điều này cần phải nghiên cứu thêm. Ông Chin-Hong cho rằng, còn quá sớm để xác định biến thể Ấn Độ có khả năng khiến một người tái mắc COVID-19 hay không. Hiện cũng chưa rõ biến thể có kháng các kháng thể mà vaccine tạo ra hay không.
Một đột biến của biến thể Ấn Độ cũng tương tự như đột biến ở biến thể lần đầu được phát hiện ở California. Đột biến còn lại có trên các biến thể khác được phát hiện ở Brazil và Nam Phi.
Ông Chin-Hong nói: “Biến thể Ấn Độ này lần đầu tiên có hai đột biến trong cùng virus, chưa từng thấy ở các biến thể trước đó”. Dù vậy, ông Chin-Hong cho rằng vaccine có thể có hiệu quả với biến thể Ấn Độ, vì chúng có hiệu quả chống biến thể Nam Phi và California.