Tính từ 12h đến 18h ngày 7/6, Việt Nam ghi nhận thêm 100 ca mắc mới. Trong đó có 25 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại TP.HCM, Tây Ninh, Tiền Giang, Hà Nội và 75 ca ghi nhận trong nước.
Cụ thể Bắc Giang có 30 ca, Bắc Ninh có 23 ca, TP.HCM có 20 ca, Bình Dương có 1 ca và Bệnh viện K cơ sở Tân Triều có 1 ca. Đáng chú ý, chỉ có 72 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả, 3 ca vẫn chưa rõ nguồn lây.
Trong ngày 7/6, Việt Nam ghi nhận thêm 236 ca mắc mới, gồm 25 ca nhập cảnh và 211 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang (122), TP.HCM (46), Bắc Ninh (29), Lạng Sơn (7), Hà Nam (2), Hà Tĩnh (2), Hà Nội (1), Bình Dương (1), Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (1).
Thông tin cụ thể về 75 ca ghi nhận trong cộng đồng như sau:
30 tại Bắc Giang được ghi nhận trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa, liên quan đến công nhân làm tại các khu công nghiệp (KCN).
23 ca tại Bắc Ninh gồm 15 ca liên quan đến ổ dịch KCN Quế Võ, 3 ca liên quan đến ổ dịch KCN Khắc Niệm, 3 ca liên quan ổ dịch Đại Phúc, 2 ca liên quan ổ dịch Thuận Thành.
20 ca tại TP.HCM gồm 14 ca liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, 3 ca là các trường hợp F1, 3 ca đang điều tra dịch tễ.
1 ca tại Bình Dương là nữ, 25 tuổi, địa chỉ tại TP. Dĩ An. Bệnh nhân này là F1 của BN8113, hiện đã được cách ly.
1 ca tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều là F1, đã được cách ly từ trước trong bệnh viện.
Về tình hình điều trị, hôm nay có 141 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Tổng số ca điều trị khỏi đến nay là 3.509 bệnh nhân.
Tình hình COVID-19 trên thế giới
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 18h ngày 7/6 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận hơn 174,092 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó có 3,74 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 157,121 triệu người.
Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 320.448 ca nhiễm mới, tập trung nhiều nhất tại Ấn Độ, Brazil, Colombia, Argentina. Mỹ - quốc gia có số ca tử vong và nhiễm bệnh nhiều nhất thế giới, trong 24 giờ qua ghi nhận 5.960 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 34,210 triệu ca, trong đó có 612.363 ca tử vong.
Malaysia dùng máy bay không người lái để phát hiện người có thân nhiệt cao
Cảnh sát Malaysia đang sử dụng máy bay không người lái để phát hiện những người có thân nhiệt cao. Những máy bay này có thể triển khai nhiệm vụ từ vị trí cao 20 m so với mặt đất và gửi cảnh báo đến cơ quan chức năng nếu phát hiện "đối tượng khả nghi".
Trước đó cảnh sát Malaysia từng cảnh báo sẽ sử dụng máy bay không người lái để giám sát hạn chế di chuyển. Cảnh sát tại một số khu vực còn tuyên bố sẽ đến thăm nhà người dân đột xuất, để đảm bảo họ tuân thủ quy định giãn cách xã hội.
Malaysia đã áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc từ 1-14/6 nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan mạnh. Mặc dù số ca mắc mới hàng ngày đã giảm dần nhưng người đứng đầu Bộ Y tế Malaysia - ông Noor Hisham Abdullah cảnh báo rằng, phần lớn ca mắc mới và tử vong đều không truy vết được nguồn lây.
Theo tờ Global Times, từ năm 2020, Trung Quốc đã sử dụng máy bay không người lái trong nỗ lực ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Các máy bay thực hiện nhiệm vụ xịt nước khử trùng tay hoặc nhắc nhở người dân ở nhà, đeo khẩu trang.
Thái Lan bắt đầu chiến dịch tiêm chủng đại trà
Chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 trên toàn quốc của Thái Lan đã chính thức bắt đầu vào ngày 7/6 với hai nhóm đầu tiên đã đăng ký trước là người cao tuổi và những người có bệnh nền.
Cuối tuần trước, công ty AstraZeneca đã chuyển giao cho Thái Lan lô vaccine COVID-19 gồm 1,8 triệu liều, được sản xuất tại chính quốc gia này.
Chính phủ Thái Lan hy vọng đến cuối tháng 12 tới sẽ có 50 triệu người, tức 70% dân số, được tiêm chủng vaccine COVID-19. Hiện nay, nước này đã chính thức đặt mua được 61 triệu liều vaccine từ AstraZeneca và 6 triệu liều từ công ty Sinovac của Trung Quốc, đồng thời đang tìm cách có thêm 8 triệu liều vaccine từ hãng Sinovac và 25 triệu liều vaccine từ Pfizer và Johnson & Johnson, nhằm đạt mục tiêu có 100 triệu liều vaccine vào cuối năm nay.
Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan cũng có kế hoạch đặt mua thêm 50 triệu liều vaccine cho năm tới vì nhiều khả năng sẽ cần phải tiêm nhắc lại, đặc biệt nếu có nhiều biến thể mới xuất hiện.