Mỗi mùa thu hoạch, cứ hai lần một tuần, anh Nguyễn Quang Tuyến sẽ vận chuyển 2 tấn dưa vàng từ trang trại của mình đến tiêu thụ tại TP.HCM.
Nhưng kể từ khi thành phố bắt đầu giãn cách xã hội từ đầu tháng 6 để ngăn chặn các ca nhiễm COVID-19 gia tăng, chi phí vận chuyển gần như tăng gấp 3 lần cho mỗi hộp rau. Cùng với đó là sự gia tăng các yêu cầu hành chính, chẳng hạn như giấy xét nghiệm âm tính.
Anh Tuyến, chủ sở hữu của trang trại HT Hitech, đành phải tìm cách bán sản phẩm của mình cho người dân trong xã, giảm giá 25% để thu hút khách hàng.
“Hiện tại tôi có thể bán khoảng 10-20kg mỗi ngày'', anh Tuyến cho biết. Anh ước tính số lượng có thể tăng gấp 5 lần nếu anh mở rộng bán ra huyện rộng hơn.
“Nhưng nếu tôi có thể mang dưa đến thành phố, doanh số sẽ gấp 10 lần những gì tôi đang bán bây giờ”, anh nói thêm.
Anh Tuyến ước tính thu nhập trước đây của mình khoảng 2.060 USD/tuần (47 triệu đồng) sau khi trừ chi phí, nhưng hiện tại nó đã giảm đáng kể. Anh phải tính toán đa dạng hóa sản phẩm sang dưa chuột và cà chua bi, cũng như tìm cách xuất khẩu hàng sang Trung Quốc, Nga và Ấn Độ.
COVID-19 đang đè nặng lên lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm
Thật vậy, cuộc khủng hoảng COVID-19 đang ảnh hưởng đến nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Việt Nam, đè nặng lên lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm sau khi tác động lên lĩnh vực sản xuất.
Trước đó, các nhà máy sản xuất sản phẩm cho các công ty khổng lồ toàn cầu buộc phải tạm ngừng sản xuất vì các cụm lây nhiễm và hạn chế di chuyển.
Phần lớn sản xuất nông nghiệp phía Nam, gồm TP.HCM và vùng đồng bằng sông Cửu Long, phục vụ cho tiêu dùng tại chỗ và xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan và Hoa Kỳ...
Nhưng việc giãn cách xã hội kéo dài có nghĩa là nông dân phải đối mặt với những thách thức trong việc vận chuyển sản phẩm để bán và các thương lái không thể đến vườn của họ.
Do đó, xuất khẩu rau quả trong nửa cuối năm được dự đoán sẽ giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp đã khảo sát sản xuất nông nghiệp và thực phẩm tại 19 địa phương phía Nam.
"Cây trồng không được chăm sóc, thiếu vật tư nông nghiệp và tâm lý người trồng không tốt, đã dẫn đến việc thiếu các sản phẩm chất lượng cao để xuất khẩu", chính phủ cho biết trong một bài báo ngày 5/8.
Theo báo cáo, năng lực sản xuất thủy sản ở khu vực phía Nam, chiếm 65% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, cũng giảm xuống còn khoảng 30-40%.
Nông sản không tìm được đầu ra
Những gián đoạn đối với ngành nông nghiệp Việt Nam cũng phản ánh điều kiện khó khăn mà nông dân ở Mỹ và châu Âu đã trải qua vào năm ngoái khi COVID-19 bùng phát tại đây.
Việc đóng cửa các nhà hàng, khách sạn và trường học đã làm giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm, buộc nông dân phải tiêu hủy sữa, cây trồng và thậm chí cả gia súc. Trong khi đó, người tiêu dùng lại phải đối mặt với tình trạng thiếu hàng đóng gói trong các cửa hàng tạp hóa.
Tại Việt Nam, khi các ca nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng, các nhóm Facebook công khai với hàng nghìn thành viên đã bị quá tải, vì các bài đăng bán các loại trái cây và rau quả với giá giảm đáng kể.
“Vườn ớt của bố mẹ tôi đang vào vụ thu hoạch nhưng không có thương lái nào mua”, một người dùng đăng vào hôm 17/8 trong một nhóm có tên “Giải cứu nông sản Việt Nam”.
"Xin hãy mua giúp bố mẹ tôi. Chỉ 15.000 đồng/kg (65 xu Mỹ)", cô nói, kèm theo bài đăng là hình ảnh những quả ớt được trải trên mâm.
Cụm từ "Giải cứu nông sản" rất phổ biến trên mạng xã hội cũng như các phương tiện truyền thông của Việt Nam kể từ khi bùng phát dịch bệnh.
Hôm 13/8, Thành đoàn TP.HCM cũng đã phối hợp với những người nổi tiếng và một số công ty tư nhân tổ chức livestream trên Facebook để khuyến khích người dân ủng hộ sản phẩm của nông dân phía Nam.
Mặt khác, chiến dịch tiêm chủng COVID-19 của Việt Nam diễn ra một cách chậm chạp, một phần do thiếu hụt nguồn cung vaccine.
Trong những tuần gần đây, Việt Nam đã nổ lực đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, từ dưới 5% dân số đã được tiêm ít nhất một mũi vào cuối tháng trước lên 11% vào hôm 12/8, theo Our World in Data.
Tuy nhiên, vì chỉ có khoảng 30-40% công nhân nông nghiệp và thực phẩm đã được tiêm phòng nên Bộ Nông nghiệp đã đề xuất Chính phủ ưu tiên tiêm chủng cho tất cả công nhân trong khu vực, để đảm bảo an ninh lương thực trong nước và giúp tăng cường xuất khẩu.
Năm 2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 14,8% GDP cả nước. Tính đến năm ngoái, đã có ít nhất 180 quốc gia và vùng lãnh thổ mua nông sản của Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc, ASEAN, Mỹ và EU là những nhà nhập khẩu lớn nhất.
Năm ngoái, xuất khẩu trái cây và rau quả của ngành này trị giá 3,3 tỷ USD, mặc dù Trung Quốc chiếm khoảng một nửa con số đó. Đông Nam Á chiếm 8,8% xuất khẩu nông sản, tiếp theo là Mỹ với 5%.
Cũng trong năm ngoái, xuất khẩu thủy sản đã mang về hơn 8,4 tỷ USD. Tôm là một trong những mặt hàng được xuất khẩu nhiều. Mỹ là khách hàng mua tôm nhiều nhất, chiếm 23,5% xuất khẩu của Việt Nam, tiếp theo là Nhật Bản, Trung Quốc và EU theo thứ tự giảm dần.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, ngành thủy sản chiếm từ 4-5% GDP của cả nước, nhờ lợi thế 3.260 km bờ biển.
Sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc
Xuất khẩu nông sản của Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài do phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Và thực tế là nông sản trong nước vẫn chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt trên toàn cầu, theo một báo cáo tháng 3 do Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore công bố.
Các tác giả của bài báo cho biết, đại dịch đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đa dạng hóa thị trường đối với lĩnh vực xuất khẩu nông sản.
Một trong những tác giả, Lâm Thanh Hà, nói với This Week in Asia rằng, tình hình dịch bệnh hiện nay là “một trong những khó khăn lớn nhất đối với các nhà sản xuất nông nghiệp Việt Nam”.
Theo bà Hà, cũng là Phó trưởng khoa Kinh tế quốc tế tại Học viện Ngoại giao Việt Nam thuộc Bộ Ngoại giao, an ninh lương thực trong nước đã được coi là đủ sau khi đánh giá chuyên môn.
Tuy nhiên, có rất nhiều thách thức trong việc xuất khẩu cho thế giới. Cụ thể, chi phí vận chuyển đến Mỹ và EU ngày càng tăng cao so với giá trị hàng xuất khẩu.
"Lợi nhuận sụt giảm nhưng doanh nghiệp phải chịu áp lực lớn về chi phí, thuế, đặc biệt là chi phí kho lạnh để bảo quản nông sản", bà Hà nói và cho rằng Chính phủ nên triển khai các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân.
Cụ thể là việc miễn và giảm lãi suất vay, cho vay với lãi suất ưu đãi để khôi phục sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tạo thuận lợi về thủ tục thông quan cho các mặt hàng xuất khẩu...
Trong một giải pháp đề xuất khác, Hà cho biết chính phủ cũng nên xem xét triển khai một nền tảng thực tế để thu thập thông tin của nông dân từ 1-2 tháng trước khi thu hoạch, cập nhật dữ liệu cụ thể theo mùa để lập kế hoạch phân phối với các doanh nghiệp và siêu thị trên toàn quốc nhằm ngăn ngừa lãng phí.
Bà nói: "Chính phủ nên lập một kế hoạch sản xuất phù hợp với tình hình thực tế để cắt giảm chất thải nông nghiệp".