Tính đến 6 giờ ngày 1/11, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm cộng đồng, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca.
Đến thời điểm này, Việt Nam đã bước sang ngày thứ 60 không ghi nhận ca bệnh COVID-19 ngoài cộng đồng.
Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, trong số các bệnh nhân đang tiếp tục điều trị tại các cơ sở y tế, 6 người đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2, 4 người âm tính lần 2 và 7 người âm tính lần 3.
Việt Nam cũng không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nặng. Đã có 1.063 người trong tổng số 1.180 trường hợp mắc COVID-19 ở nước ta đã được điều trị khỏi bệnh. Việt Nam cũng đã ghi nhận 35 ca tử vong liên quan đến COVID-19.
Hiện cả nước còn 14.689 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly theo dõi sức khỏe. Trong đó, 176 người cách ly tại bệnh viện, 13.233 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 1.280 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Việt Nam sắp thử vắc xin COVID-19 trên người
Ngày 31/10, thông tin về tiến trình nghiên cứu vắc xin COVID-19 tại Việt Nam, Trung tướng Phạm Hoài Nam – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, Bệnh viện Quân y 103 sẽ thử nghiệm vắc xin COVID-19 trên người vào tháng 11/2020.
Theo ông Nam, trước khi thử nghiệm vắc xin, Bệnh viện Quân y 103 cần phải nghiên cứu, đánh giá hiệu lực bảo vệ của vắc xin trên động vật thí nghiệm.
Liên quan đến vấn đề thử nghiệm vắc xin, Zing News dẫn tài liệu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban hành cho biết, quá trình sản xuất vắc xin gồm 4 giai đoạn lớn. Thử nghiệm lâm sàng chỉ là một phần nhỏ trong dự án.
VABIOTECH đang cho thử nghiệm vaccine COVID-19 trên động vật. (Ảnh: VABIOTECH) |
Vắc xin phải trải qua giai đoạn đầu tiên trong phòng thí nghiệm và nghiên cứu trên động vật. Ở giai đoạn 2 - nghiên cứu lâm sàng trên người - đơn vị nghiên cứu sẽ thử nghiệm theo nhiều giai đoạn với số lượng tình nguyện viên tăng dần.
Ở quy mô người thử nghiệm lớn, nhà nghiên cứu đánh giá dựa trên 3 tiêu chí: vắc xin có ngừa được bệnh, ngừa lây nhiễm mầm bệnh, sản sinh kháng thể hoặc các loại phản ứng miễn dịch khác liên quan đến mầm bệnh không.
Giai đoạn 3 là phê duyệt, cấp phép và sản xuất. Cuối cùng là giai đoạn kiểm soát chất lượng.
GS.TS Nguyễn Thu Vân, Chủ nhiệm Ban Chủ nhiệm Chương trình sản phẩm quốc gia vắc xin sử dụng cho người, cho hay đến nay, các đơn vị nghiên cứu vắc xin COVID-19 tại Việt Nam vẫn trong giai đoạn nghiên cứu ở quy mô phòng thí nghiệm. Việc xây dựng quy trình sản xuất, kết quả thử nghiệm tiền lâm sàng cũng chưa đầy đủ và hoàn thiện. Tiến độ này chậm so với thế giới.
Vắc xin COVID-19 sau khi được cấp phép sẽ tiêm cho một lượng người rất lớn, nên việc thử nghiệm lâm sàng đòi hỏi phải thận trọng. Theo bà Vân, trong các đơn vị đang nghiên cứu, Viện vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC) dự kiến có lô thử nghiệm lâm sàng vào cuối năm nay.
Yêu cầu đeo khẩu trang tại các cảng hàng không, nhà ga để phòng COVID-19
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản hỏa tốc gửi các đơn vị có liên quan trong ngành đôn đốc, nhắc nhở, yêu cầu đeo khẩu trang tại các cảng hàng không, nhà ga và trên mọi phương diện giao thông công cộng để phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn tiếp tục thực hiện nghiêm quy định yêu cầu toàn bộ hành khách (bao gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài) bắt buộc phải đeo khẩu trang đúng cách trong suốt thời gian trên máy bay, khi làm thủ tục, trong thời gian ở cảng hàng không, sân bay.
Hành khách và người đưa tiễn phải đeo khẩu trang tại các cảng hàng không, nhà ga để phòng COVID-19. |
Đồng thời, hành khách và người đưa tiễn bắt buộc đeo khẩu trang trong phạm vi cảng hàng không, sân bay.
Các cảng vụ hàng không tổ chức kiểm tra, giám sát việc đảm bảo thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và của Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có công văn gửi các đơn vị trực thuộc có liên quan yêu cầu đôn đốc, nhắc nhở hành khách phải đeo khẩu trang tại các cảng hàng không, bến tàu, bến xe, nhà ga và trên mọi phương tiện giao thông công cộng phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Tình hình COVID-19 trên thế giới vẫn ở tình trạng khẩn cấp
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 6h ngày 1/11 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 46.344.819 ca mắc COVID-19 và 1.199.344 ca tử vong. Số ca bình phục hiện là 33.445.227 ca, vẫn còn 84.096 bệnh nhân trong tình trạng nặng (chiếm 1%).
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 vẫn là Mỹ, với 9.399.268 ca mắc, trong đó có 236.057 trường hợp tử vong. Trong 24 giờ qua, nước Mỹ đã ghi nhận thêm 82.971 ca.
Đứng thứ hai là Ấn Độ, quốc gia này hiện có 8.182.881 ca mắc COVID-19 và 122.149 ca tử vong. Số ca mắc mới trong ngày của Ấn Độ là 46.715 ca.
Tiếp theo là Brazil với tổng cộng 5.535.460 ca mắc COVID-19. Hiện Brazil là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất tại khu vực Mỹ Latinh với 159.883 ca.
Trong khi đó, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại châu Âu khi nhiều nước ở châu lục này, trong đó có Ukraine, Ba Lan, Hungary, Hy Lạp, ghi nhận số ca nhiễm mới cao chưa từng thấy.
Cụ thể, Ukraine thông báo ghi nhận thêm 8.752 ca mắc mới COVID-19, đưa tổng số người mắc bệnh lên 387.481.
Tại Ba Lan, quốc gia này ghi nhận thêm 21.897 ca mới trong vòng 24 giờ. Đây là ngày thứ 6 liên tiếp, số ca mắc mới tại quốc gia Đông Âu này liên tục tăng lên các mức cao mới. Tính đến nay, Ba Lan ghi nhận tổng cộng 362.731 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.631 trường hợp không qua khỏi.
Hungary cũng thông báo 3.908 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Số bệnh nhân điều trị tại bệnh viện cũng lần đầu tiên vượt ngưỡng 4.000 người. Số ca tử vong hiện là 1.750 ca.
Tại Hy Lạp, số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 1.690, đưa tổng số người mắc bệnh lên 37.196, trong đó có 620 trường hợp không qua khỏi. Số ca nhiễm mới tại các nước khác như Đức, Nga và CH Séc cũng đều trên mức 13.000 ca.
Lễ hội Haloween trong bối cảnh COVID-19. Ảnh: Getty |
Tại châu Á - khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai thế giới, với 10,5 triệu ca, nhiều nước vẫn chứng kiến số ca mắc tăng cao. Đáng chú ý, Hàn Quốc đã ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức hơn 100 trong ngày thứ 5 liên tiếp trong bối cảnh các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng.
Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc có thêm 126 ca mắc mới COVID-19, trong đó 96 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 26.511 ca. Trong 3 ngày trước đó, Hàn Quốc đều thông báo số ca mắc mới trên 100 mỗi ngày.
Hầu hết các ca nhiễm mới là lây nhiễm ở các viện dưỡng lão, bệnh viện và các cơ sở khác, nhưng các ổ dịch nhỏ lẻ vẫn được báo cáo rải rác trên cả nước. Kể từ khi Hàn Quốc nới lỏng quy định giãn cách xã hội xuống mức thấp nhất trong hệ thống quy định 3 cấp độ vào ngày 12/10, số ca nhiễm mới theo ngày tại nước này tăng dao động quanh mức 100 ca/ngày. Giới chức y tế Hàn Quốc cảnh báo dịch bệnh có thể bùng phát trở lại ở nước này khi người dân đi du lịch vào mùa Thu.
Ở Đông Nam Á, Indonesia vẫn là nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất khu vực. Ngày 31/10, Indonesia ghi nhận 3.143 ca mắc mới và 87 trường hợp tử vong mới, đưa tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt là 410.088 và 13.869.
Trong khi đó, Philippimes có 1.803 ca nhiễm mới và 36 trường hợp tử vong mới. Hiện tổng số người mắc bệnh và tử vong tại quốc gia này hiện là 380.729 người và 7.221 người.
Ủy ban Khẩn cấp về dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh, đại dịch này vẫn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế.
Ủy ban cho rằng, đại địch tiếp tục đòi hỏi sự hợp tác quốc tế, đồng thời đưa ra khuyến nghị cụ thể để WHO và các nước tập trung triển khai trong những tháng tới, trong đó có các biện pháp phối hợp chặt chẽ có tính đến rủi ro và dựa trên thông tin xác thực liên quan đến hoạt động đi lại quốc tế, những nỗ lực giám sát và truy vết, đồng thời duy trì các dịch vụ y tế thiết yếu, cũng như chuẩn bị các kế hoạch cho vaccine phòng ngừa bệnh COVID-19 trong tương lai.
Ủy ban cũng kêu gọi các quốc gia tránh chính trị hóa công tác ứng phó với đại dịch, động thái được cho là gây tổn hại lớn đối với nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh trên toàn cầu.
(Tổng hợp)