Như vậy, 57 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 ở cộng đồng. Hiện tại, Việt Nam có tổng cộng 1.173 ca mắc COVID-19, trong đó số ca tử vong do dịch COVID-19 là 35 ca và 1.062 bệnh nhân được chữa khỏi.
Chiều 28/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã thông tin về trường hợp người nước ngoài nghi ngờ mắc COVID-19 sau khi rời khỏi TP.HCM ngày 24/10.
Liên quan đến việc truy vết, xác định những trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân để kịp thời cách ly, điều trị và khống chế dịch bệnh, BS Phan Thanh Tâm - Phó Giám đốc HCDC, cho hay ngay sau khi nhận được thông tin từ cơ quan IHR Nhật Bản, HCDC đã nhanh chóng phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện truy vết, xác định được có 343 người có tiếp xúc với bệnh nhân.
Các Trung tâm Y tế các quận đã tiếp cận được 48 người thuộc nhóm tiếp xúc gần với chuyên gia Hàn Quốc, đã cách ly tập trung 47 người. Tất cả đều có kết quả xét nghiệm âm tính; một trường hợp tiếp xúc gần đang đi cứu trợ ở Quảng Bình.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM đã xác định được 296 trường hợp có tiếp xúc với với những người tiếp xúc gần (F2), tất cả đều được xét nghiệm, cho kết quả âm tính.
Ảnh minh họa |
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info cập nhật lúc 6h ngày 29/10, trên toàn cầu có 44.727.593 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 1.178.390 ca tử vong và hơn 32,6 triệu ca hồi phục.
Mỹ luôn là quốc gai có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất thế giới với hơn 9,1 triệu ca nhiễm. Đứng thứ 2 là Ấn Độ với hơn 8 triệu ca nhiễm, Brazil đứng thứ 3 với 5.469.755 ca nhiễm, Nga đứng thứ 4 với 1.563.976 ca nhiễm.
Tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại các nước châu Âu như Hungary, Thụy Điển và Nga.
Ngày 28/10, Hungary ghi nhận số người mắc COVID-19 phải nằm viện lần đầu tiên tăng lên hơn 3.000 người. Nước này chuẩn bị tổ chức một trận đấu trong khuôn khổ UEFA Champions League với hàng nghìn khán giả vào tối cùng ngày.
Hungary ghi nhận 43 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong lên 1.578 ca. Hiện tổng số ca nhiễm tại nước này là 65.933 ca, trong đó 3.166 ca phải nhập viện. Trong số những ca phải nằm viện có 263 ca phải thở máy.
Cùng ngày, Thụy Điển thông báo có 1.980 ca nhiễm mới trong ngày 27/10, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này.
Thụy Điển cũng ghi nhận thêm 9 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong trên cả nước lên 5.927 ca. Tỷ lệ tử vong tại Thụy Điển hiện cao gấp vài lần ở các quốc gia láng giềng Bắc Âu nhưng lại thấp hơn một số nước lớn hơn ở châu Âu như Tây Ban Nha và Anh.
Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, nhiều nước như Đức, Pháp đã bắt đầu áp dụng lệnh phong tỏa trở lại để chống dịch.
(Tổng hợp)