Liên quan đến việc phát triển nguồn vaccine trong nước, ngày 7/8, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học (gọi tắt là Hội đồng Đạo đức) của Bộ Y tế đã tiến hành cuộc họp đánh giá giữa kỳ, thẩm định kết quả nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 2 của vaccine Nano Covax do Công ty Nanogen phát triển, theo dangcongsan.vn
Tại cuộc họp này, đại diện Bộ Y tế cho biết, Hội đồng Đạo đức đã thống nhất nghiệm thu kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 với dữ liệu theo dõi đến tháng thứ 6/2021.
60 tình nguyện viên trong đợt này được tiêm với 3 mức liều là 25 mcg, 50 mcg, 75 mcg.
Tại cuộc họp, các chuyên gia đáng giá vaccine Nano Covax có hiệu quả an toàn, có tính sinh miễn dịch khá tốt, đặc biệt ở hàm lượng 25 mcg.
Trên cơ sở cập nhật kết quả đánh giá giữa kỳ giai đoạn 2 đến thời điểm hiện tại, Hội đồng quyết định tiếp tục cho phép triển khai thử nghiệm lâm sang giai đoạn 3 với mức liều 25mcg theo đề cương nghiên cứu đã được phê duyệt.
Hội đồng tiếp tục họp vào ngày 15/8/2021 để đánh giá kết quả giai đoạn 3a. Dựa trên kết quả đánh giá, đề nghị các thầy cô trong Hội đồng khuyến nghị các biện pháp khẩn thiết, cần thiết, hợp lý.
Liên quan đến vấn đề tìm nguồn vaccine từ bên ngoài, cũng trong ngày 7/8, Văn phòng Chính phủ đã có công văn 5420 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc xử lý đề nghị hỗ trợ Công ty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex mua vaccine Sputnik V của Tập đoàn Royal Strategic Partner (UAE).
Cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao cho Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý và có văn bản hỗ trợ theo nguyên tắc chung, theo Zing News.
Giữa tháng 7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành nghị quyết về mua vaccine Sputnik V của Nga.
Theo đó, Thủ tướng đồng ý theo đề xuất của Bộ Y tế về việc có văn bản giới thiệu Tập đoàn T&T và Quỹ đầu tư trực tiếp Liên bang Nga (RDIF) để đàm phán, mua 40 triệu liều vaccine Sputnik V của Nga bằng nguồn kinh phí hợp pháp do Tập đoàn T&T huy động. Kinh phí này không sử dụng từ nguồn ngân sách Nhà nước và Quỹ vaccine phòng Covid-19 Việt Nam.
Trên cơ sở yêu cầu của nhà sản xuất vaccine, Thủ tướng đồng ý với đề xuất ký thỏa thuận miễn trừ trách nhiệm sử dụng vaccine Sputnik V với nội dung tương tự như nội dung thoả thuận mà Bộ Y tế đã ký trong các trường hợp mua vaccine BNT162 của Pfizer và vaccine AZD1222 do AstraZeneca sản xuất của Công ty cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC).
Việc thực hiện việc cấp phép nhập khẩu, kiểm định, kiểm soát chất lượng vaccine, tổ chức tiêm miễn phí toàn bộ 40 triệu liều vaccine nêu trên theo quy định.
Trước đó 4 tháng, Việt Nam phê duyệt khẩn cấp vaccine phòng Covid-19 Sputnik V của Nga cho nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch. Đây là loại vaccine Covid-19 thứ hai được Bộ Y tế cấp phép, sau AstraZeneca.
Theo thống kê của Bộ Y tế, đến ngày 6/8, cả nước đã tiêm 451.256 liều vaccine phòng Covid-19, nâng tổng số vaccine đã tiêm ở Việt Nam lên hơn 8,5 triệu liều.
Đến nay, Việt Nam đã có 19,3 triệu liều vaccine được tiếp nhận, gồm khoảng 12 triệu liều vaccine của AstraZeneca (chiếm 64%), hơn 5 triệu liều Moderna, hơn 740.000 liều Pfizer, 12.000 liều Sputnik V và 1,5 triệu liều Vero Cell (gồm 1 triệu liều vaccine do Sapharco mua theo sự ủy quyền của UBND TP.HCM và 500.000 liều do chính phủ Trung Quốc viện trợ).