Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, theo Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, chậm nhất tháng 1/2021, Vietravel Airlines phải hoàn tất mọi thủ tục để cất cánh, nếu không muốn phải “quay trở về vạch xuất phát”, tức là thực hiện lại bước xin phê duyệt chủ trương đầu tư.
Theo Cục hàng không, việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển là cơ sở pháp lý quan trọng để Vietravel Airlines có thể tham gia khai thác kinh doanh vận chuyển hàng không. Tuy nhiên, để có thể trở thành một hãng hàng không thực sự, có khả năng khai thác tàu bay và cung cấp dịch vụ, Vietravel Airlines cần phải có Chứng chỉ nhà khai thác tàu bay (AOC), và triển khai các công tác cụ thể liên quan đến đảm bảo an toàn, an ninh, chất lượng dịch vụ.
Vietravel Airlines cho rằng khó khăn của dịch COVID-19 cũng khiến hãng nhìn thấy cơ hội khi giá thuê tàu bay rẻ, nhân lực cũng rẻ hơn. |
Tuy nhiên, thời gian để Vietravel Airlines hoàn thiện các thủ tục này không còn nhiều.
Đại diện Vietravel Airlines cho biết, để có tàu bay khai thác và xin Chứng chỉ nhà khai thác tàu bay (AOC), trước thời gian dịch COVID-19 bùng phát, Vietravel Airlines đã tìm kiếm và đàm phán thuê tàu bay của các hãng hàng không trong nước, như Vietnam Airlines, VietJet Air và của các đối tác nước ngoài như thuê B737-800 của ATTECH Holding Ltd, A321 của MG... Hiện nay, Vietravel Airlines đã hoàn tất đàm phán để ký hợp đồng thuê khô 1 tàu bay A321 Neo và 2 tàu bay A321 Ceo.
Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị Thủ tướng xem xét, cho phép Bộ cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietravel Airlines. Văn bản do Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn, ký nêu rõ: Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Vietravel Airlines đầy đủ, hợp lệ, đáp ứng các điều kiện về vốn, phương án đảm bảo có tàu bay khai thác, tổ chức bộ máy và phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm quy định.
Nội dung Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Vietravel Airlines đảm bảo phù hợp với Quyết định số 457/QĐ-TTg của Thủ tướng về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam. Vietravel Airlines dự kiến khai thác tàu bay A320/A321 hoặc B737 với số lượng chỉ 3 chiếc trong năm đầu tiên, bắt đầu từ năm 2021. Số tàu bay của hãng sẽ tăng dần lên 8 chiếc trong 5 năm tiếp theo.
Mới đây, ngày 10/9/2020, Văn phòng Chính phủ yêu cầu lấy ý kiến các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Quốc phòng, Công an, Tư pháp, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ngân hàng Nhà nước và UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, về việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam - Vietravel Airlines. Các cơ quan phải có ý kiến bằng văn bản về đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải trước ngày 14/9/2020, để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.
Đánh giá về tác động thị trường khi thêm 1 hãng hàng không mới, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết định hướng của Vietravel Airlines không quá phụ thuộc thị trường hàng không quốc tế, nên khả năng chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19 giai đoạn đầu tham gia thị trường - năm 2021 là không lớn.
Theo tính toán của Cục Hàng không Việt Nam, với quy mô đội bay trong 3 năm đầu là 3-6 chiếc, và đạt 8 chiếc vào năm thứ 5, đội tàu bay của Vietravel Airlines chỉ chiếm từ 1,5-3% về số lượng trong giai đoạn 2021-2023. Nếu tính theo lượng ghế cung ứng, tỉ lệ này chỉ chiếm 1-2%.
Do vậy, sự góp mặt của Vietravel Airlines về tổng thể không tác động đáng kể đến tình hình khai thác vận chuyển hàng không Việt Nam.
Vào cuối tháng 8, trong văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam và Công ty TNHH Lữ hành Hàng không Việt Nam (Vietravel Airlines), Bộ Giao thông Vận tại nhấn mạnh vấn đề dịch bệnh COVID-19 đang gây tác động tiêu cực đến ngành hàng không và du lịch.
Bộ cho rằng, hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Vietravel Airlines cơ bản đáp ứng đầy đủ theo quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến kinh doanh vận chuyển hàng không, và hoạt động hàng không chung; quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không.
Tuy nhiên, do COVID-19 diễn biến phức tạp và đã lan rộng trên toàn thế giới, để hoạt động kinh doanh đảm bảo hiệu quả và khả thi sau khi đi vào hoạt động, Bộ yêu cầu Vietravel Airlines phân tích, đánh giá bổ sung đối với hoạt động vận tải hàng không hiện nay, như đội tàu bay, hạ tầng cơ sở càng hàng không sân bay, nhu cầu vận chuyển… Kế hoạch chuẩn bị tàu bay để có Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay (AOC); rà soát phương án kinh doanh của Đề án trong bối cảnh thị trường hàng không và du lịch bị ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19.
Lãnh đạo Vietravel Airlines cho rằng trong khó khăn, hãng cũng nhìn thấy rất nhiều cơ hội, từ việc thuê, mua máy bay giá rẻ, giá xăng dầu ở mức thấp, nhân lực hàng không dồi dào, nhiều cơ hội tuyển chọn nhân lực chất lượng cao với chi phí hợp lý.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Vietravel Airlines - cho biết: Trước dịch, giá thuê một tàu bay A321 neo mới từ 5 - 6 tuổi trở lại không dưới 550.000 USD/tháng. Nhưng hiện tại, mức giá này chỉ dưới 400.000 USD.
Còn phi công A321 trước đây trả 220 triệu/tháng, giờ chỉ 80 triệu. Tương tự, tiếp viên trước đây phải 30 - 40 triệu/tháng, giờ chỉ khoảng 10 - 12 triệu.
Theo hồ sơ cấp phép, Vietravel Airlines đặt trụ sở chính tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, tỉnh Thừa Thiên Huế. Số lượng tàu bay khai thác năm đầu tiên là 3 tàu bay, tăng dần theo yêu cầu của thị trường. Hãng bay này định hướng không bay vận chuyển hành khách, hàng hoá và bưu kiện phục vụ, phát triển ngành du lịch và các nhu cầu đi lại khác của cộng đồng. Vietravel Airlines đặt mục tiêu phục vụ 1 triệu lượt trong năm đầu tiên, qua đó tạo việc làm cho gần 600 lao động, đóng góp nguồn thu vào ngân sách.
Vietravel Airlines cho biết sẽ tập trung nguồn lực hoàn thiện AOC để đủ điều kiện có thể cất cánh vào nửa đầu năm 2021. Tuy nhiên, Cục Hàng không Việt Nam dự báo trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay, sớm nhất phải hết năm 2021 thị trường hàng không mới có khả năng phục hồi.