Địa bàn phức tạp
Thanh Hóa là tỉnh có diện tích rộng, dân số đông, đường biên giới dài nên tình hình gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả.... diễn ra rất phức tạp. Đặc biệt, là thời điểm cuối năm khi nhu cầu mua sắm tăng cao. Lượng hàng hóa nhập vào hoặc trung chuyển qua địa bàn với khối lượng lớn. Cụ thể, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các địa phương, địa bàn của tỉnh còn nhiều diễn biến phức tạp,
Cụ thể, trên tuyến biên giới đất liền, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy diễn biến phức tạp, đối tượng ở nội địa móc nối với đối tượng ở địa bàn biên giới vượt biên sang Lào để mua ma túy vận chuyển qua biên giới và đưa vào nội địa để tiêu thụ. Có nhiều loại ma túy khác nhau được các đối tượng mua bán, vận chuyển, như: heroin, nhựa thuốc phiện, ma túy tổng hợp.
Đối với tuyến biên giới biển, thì tại cảng biển, cảng sông (cảng Lễ Môn, Nghi Sơn) hoạt động mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, pháo các loại, tuy chưa xảy ra vụ việc lớn, một số đối tượng ở địa bàn ven biển thường móc nối với đối tượng ở các huyện nội địa để mua bán, vận chuyển, vật liệu nổ nhỏ lẻ nhằm mục đích đánh bắt hải sản trên biển.
Cục QLTT Thanh Hóa thu giữ số lượng lớn rượu ngoại không giấy tờ hợp lệ (Ngày 2/1/2020) |
Tại thị trường nội địa, hoạt động buôn bán hàng nhập lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, khó lường; hoạt động gian lận thương mại vẫn còn diễn ra trên nhiều lĩnh vực như: hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; gian lận về đo lường, chất lượng hàng hóa, hóa đơn,…Tình hình buôn bán hàng kém chất lượng, hàng giả các sản phẩm như mỳ chính, mỹ phẩm, mặt hàng thời trang (ví, áo, đồng hồ,...) vẫn xảy ra với quy mô nhỏ, lẻ.
Tình trạng hàng hóa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường vẫn xảy ra. Trong đó, bao gồm cả hàng hóa sản xuất, chế biến trong tỉnh và hàng hóa từ tỉnh ngoài, nước ngoài nhập lậu đưa vào tiêu thụ trên địa bàn tỉnh như: sản phẩm có guồn gốc động vật, trái cây, bánh, mứt, kẹo...
Hiệu quả trong công tác
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 389 Quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng Cục QLTT, tỉnh Thanh Hóa trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Cục QLTT Thanh Hóa đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, bảo đảm cân đối cung cầu, hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả, thị trường góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất phát triển, ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Trong đó, kết quả công tác kiểm tra, kiểm soát năm 2019 của BCĐ 389 tỉnh thực hiện được tổng số vụ vi phạm 5.623 vụ; chuyển khởi tố hình sự 685 vụ; số vụ xử lý vi phạm hành chính 4.938 vụ; Tổng số tiền thu 132.017 triệu đồng. Trong đó: Phạt vi phạm hành chính 50.031 triệu đồng; trị giá hàng đã bán, đã tiêu huỷ 1.756 triệu đồng; truy thu thuế 80.230 triệu đồng.
Ngoài ra, Cục QLTT Thanh Hóa tập trung chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm chắc diễn biến tình hình giá cả hàng hóa trên thị trường, làm cơ sở cho việc chỉ đạo điều hành hoạt động kiểm tra, kiểm soát các ngành hàng, mặt hàng, lĩnh vực.
Ông Nguyễn Văn Hùng, quyền Cục trưởng Cục QLTT Thanh Hóa |
Đối với mặt hàng rượu đã kiểm tra 9 vụ, xử lý 6 vụ. Phạt vi phạm hành chính 112,2 triệu đồng; tịch thu, tiêu hủy 871 chai rượu ngoại các loại; trị giá hàng tịch thu, tiêu hủy: 48,6 triệu đồng; trị giá hàng chờ bán chờ tiêu hủy: 782,9 triệu đồng.
Với mặt hàng thuốc lá đã kiểm tra 40 vụ, xử lý 37 vụ. Phạt vi phạm hành chính 124 triệu đồng; tịch thu 7.324 bao thuốc lá các loại; trị giá hàng chờ bán, chờ tiêu hủy 65,1 triệu đồng.
Mặt hàng thuốc tân dược đã kiểm tra 538 vụ, xử lý 448 vụ. Phạt vi phạm hành chính 984,5 triệu đồng. Hàng phân bón đã Kiểm tra 87 vụ, xử lý 67 vụ. Phạt vi phạm hành chính 130,3 triệu đồng, trị giá hàng tiêu hủy 4 triệu đồng. Mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật: Kiểm tra 50 vụ, xử lý 35 vụ. Phạt vi phạm hành chính 48,8 triệu đồng. Mặt hàng thức ăn chăn nuôi: Kiểm tra 19 vụ, xử lý 13 vụ. Phạt vi phạm hành chính 15,5 triệu đồng. Mặt hàng thuốc thú y: Kiểm tra 44 vụ, xử lý 32 vụ. Phạt vi phạm hành chính 76,4 triệu đồng. Mặt xăng dầu: Kiểm tra 105 vụ, xử lý 15 vụ. Phạt vi phạm hành chính 795,95 triệu đồng.
Kết quả kiểm tra theo Kế hoạch kiểm tra chuyên đề hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ du lịch hè biển năm 2019: kiểm tra 177 cơ sở, xử lý 99 cơ sở; phạt vi phạm hành chính 196,75 triệu đồng, trị giá hàng tịch thu chờ bán, chờ tiêu hủy 7,34 triệu đồng.
Kết quả kiểm tra, kiểm soát năm 2019 của Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa từ ngày 01/01 - 15/12/2019 đã kiểm tra tổng 4.476 vụ. 4 vụ việc có dấu hiệu hình sự, tổng số xử lý là 3.620 vụ. Tổng số tiền thu được là 13.309,2 triệu đồng.
Cục QLTT Thanh Hóa phối hợp với các ngành thành viên BCĐ 389 tỉnh Thanh Hóa xây dựng và trình Trưởng ban BCĐ 389 tỉnh Kế hoạch kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020; Kế hoạch tuyên truyền phổ biến pháp luật trước, trong, sau Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 và tổ chức triển khai đến các ngành thành viên BCĐ 389 tỉnh, BCĐ 389 các huyện, thị xã, thành phố.
Tiếp tục theo dõi, đôn đốc các ngành thành viên BCĐ 389 tỉnh Thanh Hóa, BCĐ 389 các huyện, thị xã, thành phố theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường; thực hiện tốt nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn theo lĩnh vực được phân công quản lý; kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, giá cả hàng hóa, góp phần giữ ổn định thị trường.