Chiều 29/10, lực lượng cứu hộ đã cứu được 33 nạn nhân, trong đó 8 người bị thương nặng trong 2 vụ sạt lở tại xã Trà Lang, Nam Trà My - Quảng Nam.
Các nạn nhân bị thương đã được đưa đến bệnh viện
Thượng tá Hà Ra Diêu - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nam Trà My, Quảng Nam cho biết đến đầu giờ chiều nay, 29/10 đã cứu được 33 người. Có 16 người bị thương, trong đó có 8 người bị thương nặng trong vụ sạt lở núi xảy ra tại xã Trà Leng, khiến 53 người bị vùi lấp.
Các chiến sĩ tiếp cận hiện trường sơ cứu nạn nhân. Ảnh: Báo Quảng Nam |
Nhiều người bị thương nặng. Ảnh: VGP |
Trong số các nạn nhân bị thương, có 5 người bị thương nặng gãy tay, gãy chân... Những nạn nhân này đã được sơ cứu tại chỗ và chuyển lên tuyến trên.
Trước đó, vào 13h chiều, điểm sạt lở cuối cùng tại km81, quốc lộ 40B được thông tuyến giúp lực lượng cứu nạn của Quân khu 5 với 200 cán bộ chiến sĩ tiếp cận hiện trường vụ sạt lở đất tại xã Trà Leng.
Lực lượng tiếp cận sớm nhất gồm 20 cán bộ chiến sĩ công binh, quân y mang theo thùng cứu thương vào để cấp cứu các trường hợp bị thương. Có 4 trường hợp bị thương nặng được đưa ra trước, trong đó có 2 trẻ nhỏ.
Theo lực lượng cứu hộ, những người may mắn sống là do được nước bùn đẩy dồn về chân núi, sau đó trồi lên trên lớp đất nên thoát chết.
Sau khi thông đường, các xe cứu thương tiếp tục vào hiện trường để đưa các nạn nhân bị thương đến bệnh viện cấp cứu ở Trung tâm y tế Bắc Trả My.
Bác sĩ Trần Thị Minh Thúy, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Bắc Trà My, cho biết đến 16h chiều 29/10, Trung tâm Y tế huyện đã tiếp nhận 5 bệnh nhân tại xã Trà Leng, trong đó có 2 bệnh nhân nặng. Qua hội chẩn thống nhất chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam để điều trị.
Hai cháu bé con của chị Hồ Thị Hà (28 tuổi) được lực lượng chức năng đưa ra khỏi hiện trường, kịp thời cứu chữa, cha chị Hà là một trong số các nạn mất trong vụ sạt lở. Ảnh: ANTT |
Cơ quan chức năng cũng đã tìm thấy tổng công 14 thi thể nạn nhân. Hiện vẫn còn 13 người mất tích.
Những nạn nhân thiệt mạng đã được đưa đến nơi bằng phẳng để chuẩn bị an táng. Tuy nhiên, đến hiện tại vẫn chưa có quan tài, người dân địa phương dự định sẽ an táng theo phong tục.
Tìm cách chuyển những người bị thương đi bệnh viện cấp cứu nhưng đường đi rất khó khăn, nguy hiểm. Ảnh: Zing |
Thủ tướng ký công điện khẩn khắc phục sạt lở đất tại Quảng Nam
Đến 16h chiều nay, theo thống kê ban đầu, tỉnh Quảng Nam có 19 người chết do sạt lở đất, 22 người mất tích. Trong đó, huyện Nam Trà My với 2 vụ lở núi có 14 người chết, 13 người vẫn còn mất tích cùng nhiều người bị thương đang được cấp cứu. Huyện Phước Sơn có 5 người chết, 8 người mất tích trong vụ sạt lở đất sáng nay và 2 cán bộ đi giúp dân trước bão. Huyện Bắc Trà My có 1 người mất tích.
Trong chiều nay, 29/10, Thủ tướng tiế tục ký công điện khẩn yêu cầu khẩn trương cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bí thư và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và các đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo các lực lượng khẩn cấp tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân. Vì hiện vẫn còn nhiều nạn nhân mất tích, chưa được tìm thấy. Việc cứu hộ, cứu nạn yêu cầu đồng bộ, hiệu quả và phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn.
Công điện của Thủ tướng chỉ đạo bằng mọi cách, mọi phương tiện đưa lực lượng cứu hộ cứu nạn tiếp cận nhanh nhất đến các khu vực bị sạt lở có người bị vùi lấp. Khẩn trương huy động các lực lượng tại chỗ, triển khai mọi phương án, hướng tiếp cận như di chuyển bằng đường mòn, đường rừng, đường bộ, đường thủy, phương tiện bay,… để tiếp cận, tổ chức cứu nạn và cấp cứu những người còn sống sót.
Bộ Giao thông vận tải phối hợp với tỉnh Quảng Nam và các lực lượng cứu hộ cứu nạn huy động mọi phương tiện, lực lượng cần thiết tập trung khắc phục sớm nhất các đoạn, tuyến giao thông bị sạt lở, tạo điều kiện đưa phương tiện cơ giới vào khu vực tìm kiếm cứu nạn.
Chính quyền tỉnh Quảng Nam khẩn trương tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ thân nhân các gia đình có người gặp nạn, hỗ trợ tổ chức tang lễ chu đáo cho những người bị thiệt mạng theo phong tục địa phương.
Đồng thời tiếp tục rà soát, chủ động di dời dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở; kịp thời triển khai công tác ứng phó mưa lũ, phòng tránh lũ quét, sạt lở đất, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, bảo đảm an toàn hồ đập...
(Tổng hợp)